menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Quyết

Trì hoãn đàm phán thương mại – Ai thật sự có lợi?

Việc kéo dài các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như là một chiến thuật được lựa chọn của Bắc Kinh, nhưng Washington có thể cũng có những tính toán cho riêng mình nên không vội gì tiến tới việc ký kết thỏa thuận.

Trường kỳ kháng chiến hay Vạn lý trường chinh

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào trì trệ và có nguy cơ đổ vỡ, sau khi Tổng thống Donald Trump chính thức tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/05 vừa qua. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã cắt xén bản dự thảo thỏa thuận đã đạt được giữa 2 bên trước đó từ 150 trang xuống chỉ còn 105 trang, với nhiều nội dung quan trọng bị loại bỏ như sở hữu trí tuệ hay chuyển giao công nghệ.

Đánh giá về việc Trung Quốc bất ngờ “lật kèo” tựu trung có 2 lý do, thứ nhất là dường như giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã đánh giá sai về chiến lược của Tổng thống Trump, khi cho rằng ông Trump đang mong muốn sớm ký kết thỏa thuận thương mại hơn bao giờ hết để thúc đẩy thị trường chứng khoán và ghi điểm với cử tri, mở đường thuận lợi cho kỳ tái tranh cử sẽ bắt đầu vào năm sau, nhất là dựa trên những tuyên bố đánh giá cao của ông Trump về kết quả các vòng đàm phán thương mại đạt được trước đó.

Thứ hai là không loại trừ khả năng có những kỳ vọng ông Trump sẽ thất bại trong kỳ tái tranh cử vào năm sau, khi đó Bắc Kinh có thể đàm phán thương mại với một Tổng thống mới ít cứng rắn hơn và có thể nhượng bộ cho Trung Quốc nhiều hơn trong thỏa thuận mới. Điều này không phải là không có cơ sở, khi lịch sử cho thấy các đời tổng thống Mỹ thường có những thay đổi chiến lược phát triển và đối ngoại sau khi lên cầm quyền, và không ít trường hợp đảo ngược lại với chính sách của người tiền nhiệm.

Trong khi chủ tịch Tập Cận Bình có thể duy trì chức vụ đến hết đời sau khi Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc gỡ bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ cho vị trí lãnh đạo nước này vào ngày 11/3/2018, thì nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ từ trước đến nay vẫn là 4 năm, tối đa là 8 năm cho 2 nhiệm kỳ. Giữa 1 bên nắm quyền suốt đời và 1 bên sắp đối mặt với sự thay đổi, thì lợi thế về mặt thời gian thuộc về ai là đã quá rõ ràng. Điều này giống như “Nếu chơi với anh không được, tôi sẽ kiên nhẫn chờ 1 người chơi khác”.

Khi quyết định thay đổi bản dự thảo thỏa thuận, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể đã lường trước tình huống phản ứng mạnh của tổng thống Trump, và đã chuẩn bị cho tình huống “trường kỳ kháng chiến” trong trận chiến thương mại lần này. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhiều hơn, chấp nhận tiền tệ phá giá thêm, nỗ lực phát triển tiêu dùng nội địa đang là những công cụ được triệt để thực thi cho xung đột thương mại thời gian qua.

Thực tế cho thấy truyền thông Trung Quốc những ngày qua cũng tìm cách khơi dậy tinh thần và chủ nghĩa dân tộc, khi nhắc lại cuộc rút lui lớn nhất của quân đội Trung Quốc với tên gọi “Vạn lý trường chinh”. Ông Tập gần đây cũng cho rằng "Giờ đây, chúng ta đang bước vào một cuộc vạn lý trường chinh mới, và chúng ta sẽ phải bắt đầu lại tất cả", ngầm phát đi một tín hiệu cứng rắn nữa về lập trường của nước này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Lựa chọn có sai lầm?

Cả 2 bên đều sẽ bị thiệt hại trong cuộc chiến lần này là điều khó tránh khỏi, điều quan trọng là liệu Washington có thể ngăn chặn thành công sự nổi lên của Trung Quốc như là tay chơi mới nổi thách thức ngôi vị bá vương của Mỹ, cả về kinh tế lẫn chính trị. Việc các vòng đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại toàn diện bị trì hoãn cũng là hệ quả tất yếu.

Trung Quốc hẳn có lý do để tìm cách cù cưa, nhưng Mỹ có thể cũng có những ý đồ để kéo dài thêm cuộc chiến. Thứ nhất, điều này càng làm gia tăng tính bất ổn trong tương lai, do đó sẽ càng khuyến khích cũng như tạo cơ hội cho các tập đoàn quốc tế có thêm thời gian dịch chuyển dần cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi Trung Quốc về lại Mỹ hoặc các quốc gia khác mà hạn chế phần nào thiệt hại.

Thời gian qua không chỉ những tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Apple đang chuyển dây chuyền sản xuất IPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ, mà những tập đoàn quốc tế của các quốc gia khác, từ các tập đoàn công nghệ như Mitsubishi, Sumitomo, Toshiba của Nhật, Samsung của Hàn Quốc, cho đến các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, đồ thể thao như Nike, Adidas hay Puma của Đức cũng rời đi.

Đối với việc hoãn tăng thuế hoặc gia hạn thêm thời gian trước khi các dòng thuế chính thức có hiệu lực, chính quyền Trump cũng giúp các doanh nghiệp Mỹ có thêm thời gian để nhập đủ lượng nguyên vật liệu, hàng hóa tồn kho và tìm kiếm thị trường khác. Thực tế cho thấy sau khi ông Trump đánh thuế đợt đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái, thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc còn tăng thêm, do các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường xuất hàng hóa vào Mỹ trước khi các hàng rào thuế có hiệu lực hoặc sẽ tăng thêm.

Việc chưa hoàn tất ký kết hiệp định cũng tạo điều kiện cho Mỹ có lý đo để sử dụng thêm các biện pháp trừng phạt khác, không chỉ lên quốc gia mà còn nhắm đến những tập đoàn hùng mạnh của Trung Quốc, như động thái cấm cửa Huwei và một loạt doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc vừa qua. Chính sách này dẫn đến không chỉ các doanh nghiệp Mỹ mà những doanh nghiệp nước ngoài thuộc các nước đồng minh của Mỹ như Nhật, Anh cũng tuyên bố ngừng làm ăn với Huawei, đẩy tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc này nguy cơ rơi vào cảnh khốn đốn, khiến mục tiêu trở thành nước hàng đầu về công nghệ của Trung Quốc ngày càng xa vời.

Nếu càng mắc kẹt lâu dài trong cuộc chiến tranh thương mại, thì thiệt hại sẽ càng lớn và dù sau này khi ký kết được thỏa thuận thì hậu quả có thể khó phục hồi như tình trạng ban đầu. Đơn cử một ví dụ như các tập đoàn quốc tế khi đã chuyển nhà máy sang quốc gia khác và đi vào hoạt động ổn định, thì dù thỏa thuận thương mại giữa 2 bên đến 1 lúc nào đó được ký kết, có thể do Trung Quốc đã không còn chịu đựng nổi và chấp nhận đầu hàng hoặc khi đó Mỹ đã phần nào chịu nhượng bộ dưới thời Trump hoặc 1 tổng thống khác dễ tính hơn, thì rõ ràng các tập đoàn quốc sẽ không thể lại chuyển nhà máy về lại Trung Quốc, nhất là khi chi phí lao động của quốc gia này thời gian qua đã tăng đáng kể và không còn đủ sức thu hút.

Trong khi đó, một thỏa thuận thương mại tương lai nếu được ký kết đi nữa có thể buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường nội địa nhiều hơn cho các tập đoàn quốc tế, khi đó các doanh nghiệp này cũng không cần thiết phải đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc để có thể có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu dùng ở nước này như thời gian qua.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc càng tăng mạnh sau khi áp thuế đợt 1 vào tháng 7/2018

Trì hoãn đàm phán thương mại – Ai thật sự có lợi?
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả