Trên 'xa lộ' EVFTA, truyền thông rất quan trọng
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhờ các cơ quan truyền thông kịp thời và mạnh mẽ đến doanh nghiệp những lợi ích có thể “sờ nắm” được từ hiệp định EVFTA.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh nội dung trên tại tọa đàm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông được tổ chức tại Trung tâm báo chí TP.HCM sáng qua 1.7.
Tham dự cuộc tọa đàm có ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo Hội Nhà báo TP và đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng, EU hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với kim ngạch nhập khẩu năm 2019 gần 2.200 tỉ USD. Tuy nhiên, trước khi EVFTA được thực thi, hàng hóa Việt Nam sang EU khá khiêm tốn, chiếm chưa tới 2%.
90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa biết EVFTA
“Nói về EVFTA, chúng ta đưa ra nhiều con số dự báo tăng trưởng xuất khẩu, cơ hội lao động việc làm, triển vọng, tiềm năng từ thị trường gần 500 triệu dân, GDP bình quân đầu người khoảng 35.000 USD. Tuy nhiên, phải hiểu đó chỉ là những con số bề nổi, thể hiện sơ bộ trong tính toán. Thực tế tác động của EVFTA đi cùng với các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đã có là rất lớn và toàn diện hơn nhiều cho chúng ta có quyền kỳ vọng trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và cho rằng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, EVFTA được đưa vào thực thi sẽ là cơ hội mới kỳ vọng giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam phục hồi và phát triển. Chính vì đây là một cơ hội lớn, nên Bộ đang quyết liệt xây dựng chương trình hành động và trình Chính phủ thông qua để hướng dẫn, phối hợp với DN cùng các bộ ban ngành liên quan một cách nhịp nhàng.
Góp ý với DN, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) - cho rằng đã đến lúc DN phải thay đổi cách tiếp cận thị trường. Thậm chí phải thuê đơn vị khảo sát thị trường, tìm hiểu tận ngóc ngách thị trường để việc bán hàng sang EU hiệu quả hơn. Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, hiện hàng hóa Việt Nam bước đầu đã có trong các kênh phân phối ở các nước EU. Dù vậy, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống tại thị trường này luôn chịu cạnh tranh gay gắt về giá từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
Chưa truyền thông đủ
Để làm được điều này, cần truyền thông mạnh mẽ. Đại diện các cơ quan truyền thông tại TP.HCM nêu vấn đề: Tại sao DN lại thờ ơ với lợi ích hiệp định mang lại? DN tự cho mình không đủ năng lực tham gia thị trường EU hay không tin tưởng những cơ hội, dự báo mà các cơ quan quản lý đưa ra?
Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận: “Điểm yếu của Bộ Công thương là công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng; ngoài ra là vẫn còn chuyện một số cơ quan bộ ngành và địa phương chưa chủ động phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả cùng ngành công thương”.
Vấn đề là cần sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành và địa phương để DN chạy trên “xa lộ” EVFTA trơn tru hơn. Bổ sung ý kiến của Bộ trưởng, ông Lương Hoàng Thái cho biết trong những cam kết, việc thực thi có 2 tầng cấp.
Đó là thực hiện cam kết theo quy định và thực hiện theo hướng sáng tạo. Nếu quyết tâm sáng tạo, lợi ích Hiệp định EVFTA mang lại tăng trưởng có thể thêm 6,8% đến năm 2030, so kịch bản là 2,8%. Tuy nhiên, một số quy định liên quan pháp lý chúng ta chưa kịp xây dựng, ví dụ như quy định về đấu thầu tập trung.
Nếu có quy định đấu thầu tập trung sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều tiền cho nhà nước. Hoặc tính phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành. Theo phản ánh của DN xuất khẩu gạo, gạo bán theo hạn ngạch vào thị trường EU thuộc loại gạo thơm cao cấp, có giá cao gấp đôi gạo xuất khẩu bình thường. Hiện vì một mặt hàng lại được quản lý bởi nhiều bộ nên gây khó cho DN. Muốn xuất gạo thơm đi EU để hưởng thuế 0% theo EVFTA, DN phải đến Bộ Công thương xin cấp C/O, rồi sang Bộ NN-PTNT xin cấp giấy chứng nhận là gạo có phẩm cấp cao (gạo thơm).
“Tại sao chúng ta không quy về một mối cho một cơ quan quản lý cấp cho DN là được, phải để DN chạy lòng vòng mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc vậy? Quan trọng là DN xuất được gạo ra nước ngoài, bảo đảm chất lượng, uy tín và giá cao”, ông Thái nêu vấn đề.
Kết thúc tọa đàm, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhờ các cơ quan truyền thông kịp thời và mạnh mẽ đến DN những lợi ích có thể “sờ nắm” được từ hiệp định này. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong tháng 7 hoặc tháng 8 sẽ phối hợp với TP.HCM tổ chức hội nghị tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc của DN liên quan EVFTA và các hiệp định thương mại khác. Song song đó, trong thời gian tới, Bộ cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan giảm bớt thủ tục hành chính để DN tận dụng được cơ hội tốt hơn từ hiệp định này.
Cơ hội với EVFTA là có thật và chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa (ngày 1.8) EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, 90% DN vừa và nhỏ chưa nắm rõ hoặc không biết thông tin về hiệp định này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận