Tranh chấp thương mại: Chứng từ điện tử có giá trị không?
Việc thắng hay thua trong các vụ kiện phụ thuộc vào các chứng cứ điện tử, bao gồm cả việc chứng minh các giao kết tiền hợp đồng, trong hợp đồng, quá trình giao dịch của các bên...
Việc giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử ngày càng gia tăng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do đó việc giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi với các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. Có đến 50% tranh chấp thương mại điện tử liên quan đến các hợp đồng xuất nhập khẩu. BizLIVE có cuộc trao đổi với ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến vấn đề này.
Thương mại điện tử bùng nổ, vậy các hợp đồng, chứng từ điện tử có được chấp nhận tại toà án khi khởi kiện không, thưa ông?
Trong thời đại công nghệ 4.0 việc giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử ngày càng gia tăng. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018 đã có 28% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.
Do đó, việc giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế số với các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. “Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế” được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án gồm 4 phương thức: thương lượng trực tuyến (online negotiation); hòa giải trực tuyến (online mediation); trọng tài trực tuyến (online arbitration); các phương thức hỗn hợp khác.
Chứng cứ điện tử hầu như được chấp nhận tại tòa án và trọng tài. VIAC trong 26 năm hoạt động cũng đi theo tiến trình công nghệ số: thực hiện giải quyết các tranh chấp các vụ việc có hệ quả phát sinh từ yếu tố điện tử như chứng từ, giao dịch email,…; xây dựng tiến trình quản lý giải quyết tranh chấp bằng công cụ điện tử; áp dụng việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức online.
Giá trị pháp lý của hợp đồng, chứng từ điện tử không bị phủ nhận ở hầu hết quy định của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, nhưng, cũng cần lưu ý yếu tố về chứng cứ bằng văn bản cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro và yếu thế khi phát sinh tranh chấp.
Loại hình thương mại nào xảy ra tranh chấp thương mại điện tử nhiều nhất?
Có đến 50% tranh chấp thương mại điện tử liên quan đến các hợp đồng xuất nhập khẩu. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp là khi khách hàng nước ngoài đặt cọc mua hàng hoá nhưng phía doanh nghiệp Việt Nam không giao hàng hoặc giao hàng không đúng thời hạn, không đúng số lượng, chất lượng… khiến doanh nghiệp nước ngoài khởi kiện đòi lại tiền đặt cọc và đòi bồi thường thiệt hại. Có thể tranh chấp xảy ra khi doanh nghiệp Việt Nam giao hàng nhưng đối tác không thanh toán, hoặc giao hàng nhưng phía đối tác không nhận hàng…
Tuy nhiên, không phải tất cả tranh chấp xảy ra thì tất cả bất lợi đều ở phía doanh nghiệp Việt Nam, có lợi thế hay không còn phụ thuộc vào chứng cứ, khả năng lập luận theo quy định pháp luật.
Trong thời đại công nghệ 4.0, hình thức giao dịch điện tử ngày càng phổ biến, thể hiện là các chứng cứ điện tử được các bên tham gia giao dịch thương mại sử dụng ngày nhiều thông qua các apps: wechat, viber, thư điện tử (email)… Việc đánh giá và xem xét các chứng cứ điện tử này cũng có một số thuận lợi khi ra toà.
Số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) cũng cho thấy có đến 50% số doanh nghiệp này đã ứng dụng công nghệ số vào giao dịch và có tới 74% thực hiện giao dịch kết hợp bằng phương thức điện tử giữa các bên.
Toà án là phương thức giải quyết các tranh chấp rất truyền thống. Nhưng đối với xu thế hội nhập của Việt Nam thì công nghệ số ngày càng phát triển, chứng cứ liên quan đến điện tử ngày càng phổ biến, đòi hỏi các phương thức giải quyết tranh chấp cũng phải hội nhập. Vì nếu đàm phán với các đối tác nước ngoài chúng ta không thể chọn trọng tài Việt Nam mà phải chọn trọng tài thương mại quốc tế.
Trọng tài thương mại cũng phải giải quyết theo trọng tài khu vực và thế giới, chẳng hạn trọng tài thương mại quốc tế tại Singapore hay HongKong… Đối với VIAC giải quyết tranh chấp thông qua trực tuyến (online), các trọng tài viên có thể ở nhiều quốc gia và kết nối với nhau. Sẽ có platform để giải quyết chứng từ, hồ sơ… phục vụ cho tranh chấp online ngoài toà án.
Số vụ mà VIAC đã giải quyết và tỷ lệ thành công?
Thông thường khi doanh nghiệp muốn khởi kiện đến với VIAC đều hỏi tỷ lệ thắng là bao nhiêu? Rất khó trả lời rõ ràng vì kết quả phụ thuộc vào các tài liệu, chứng cứ từ các bên cung cấp.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là DNNVV đều tự cho mình là bên yếu thế, nhưng tại VIAC dù cho doanh nghiệp là nguyên đơn hay bị đơn cũng có thể thắng kiện... Lý do tất cả phụ thuộc vào chứng cứ giao dịch và lập luận.
Theo kinh nghiệm của tôi, những tranh chấp xảy ra đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì phía doanh nghiệp Việt Nam bị kiện nhiều hơn chiếm khoảng 60%, còn lại 40% doanh nghiệp Việt Nam đi kiện doanh nghiệp nước ngoài.
Nguyên nhân, bên doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều, khi doanh nghiệp nước ngoài đặt cọc rồi nhưng không nhận được hàng thì đối tác sẽ khởi kiện để lấy lại tiền cọc và đòi bồi thường thiệt hại. Phổ biến nhất là hàng nông sản thực phẩm.
Vậy lời khuyên của ông đối với các vụ kiện có các chứng từ điện tử?
Việc thắng hay thua trong các vụ kiện phụ thuộc vào các chứng cứ điện tử, bao gồm cả việc chứng minh các giao kết tiền hợp đồng, trong hợp đồng, quá trình giao dịch của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng hay cả trong quá trình giải quyết tranh chấp các bên vẫn có thể thương lượng với nhau.
Bài học lưu ý cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gặp rủi ro trong tranh chấp là cần chứng minh quyền lợi hợp pháp của mình bằng các chứng cứ rõ ràng. Chẳng hạn, chứng cứ bằng giấy trắng mực đen có lợi cho mình nhưng lại bị mất thì cũng không thể bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trước luật pháp.
Đối với chứng cứ điện tử hay chứng cứ bằng “giấy trắng mực đen” đều có 2 mặt, không phải chứng cứ điện tử nào cũng có lợi cho doanh nghiệp hay chứng cứ giấy tờ cũng vậy.
Chẳng hạn, trong Luật giao dịch điện tử quy định những giấy tờ có giá như: Hối phiếu đòi nợ, Hối phiếu nhận nợ, séc… không là đối tượng điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử nên nó không được thừa nhận là chứng cứ giao dịch điện tử tại cả toà án và trọng tài.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận