Tràn lan sản phẩm nhái thương hiệu ngoại
Diễn biến tình hình buôn lậu, hàng gian hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Cuối tháng 8/2019, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. HCM đã có đợt ra quân kiểm tra hàng chục điểm kinh doanh ba-lô, túi xách, quần áo, giày dép, mỹ phẩm... tại các chợ Bến Thành và An Đông. Lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng quốc tế như Lacoste, Uniqlo, The North Face, Nike, Adidas... Điều đáng nói, thông thường một sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng quốc tế được gian thương nhập về với mức giá trung bình từ vài chục ngàn/sản phẩm, sau khi gắn mác thì được “hét” giá có khi lên đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu/sản phẩm.
Trước đó, lực lượng chức năng TP. HCM đã tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, ví, dây nịt, đồng hồ, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, Chanel... Tại thời điểm kiểm tra, tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh, với tổng trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Theo Tổng cục QLTT, đây là đợt truy quét nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Vừa qua, Tổng cục QLTT đã có buổi làm việc với Tập đoàn Fast Retailing (Nhật Bản) – liên doanh dự án Uniqlo Việt Nam, bởi theo đại diện của nhãn hàng này, tại thị trường Việt Nam hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu trong đó có thương hiệu Uniqlo khá phổ biến. Do đó, Tập đoàn Fast Retailing mong muốn vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu sản phẩm mang thương hiệu Uniqlo sẽ được kiểm soát, trước khi thương hiệu này chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam.Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT, một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM... luôn là điểm nóng của những cơ sở buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng có lợi nhuận siêu khủng và thường tổ chức thành đường dây đưa hàng xuyên biên giới với quy mô lớn. Việc làm này ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sản xuất, kinh doanh và thương mại trong nước.
Không riêng gì Uniqlo, nhiều thương hiệu quốc tế cũng bày tỏ quan điểm muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên điều làm họ quan ngại, lo lắng đó chính là tình trạng giả thương hiệu, nhãn mác đang hoành hành mạnh mẽ khiến cho các DN làm ăn chân chỉnh rất khó khăn trong việc quản lý, gây nhiều thiệt hại về tài chính và uy tín.
Số liệu thống kê của Tổng cục QLTT, trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước đạt trên 6.165 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng trên 47% so với cùng kỳ), với 1.546 đối tượng (tăng trên 56%) so với cùng kỳ 2018... Điều này cho thấy, diễn biến tình hình buôn lậu, hàng gian hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ tình trạng này ngày càng gia tăng là do có quá nhiều cơ quan chức năng quản lý chồng chéo; chế tài xử phạt còn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền tại Việt Nam chưa thực sự được các DN coi trọng, dẫn đến việc lơ là trong sử dụng, bảo vệ thương hiệu, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp mới đưa ra xử lý, đến lúc này mọi việc đã trở nên rất phiền phức.
“Theo kinh nghiệm từ một số nước, vai trò tham gia của DN là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong chống hàng gian, hàng giả là rất quan trọng. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng quy định, đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Vì vậy, DN cần chú trọng quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật” – chuyên gia khuyến cáo.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, những năm qua lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp hàng giả, hàng nhái vi phạm liên quan về thương mại điện tử (TMĐT). Tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong TMĐT nếu như năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, thì đến năm 2018 con số này đã tăng gấp đôi là 7 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, trên các sàn giao dịch TMĐT buộc 35.943 sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ và hơn 3.100 tài khoản trên các sàn đã bị khoá. Mặc dù việc phát hiện và xử lý vi phạm trên TMĐT hiệu quả hơn, song phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận