Trái phiếu và mối lo doanh nghiệp "chết không làm đám ma"
“Giống như ngân hàng đã cho vay thì sẽ có nợ xấu, do vậy, rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp là có, nhưng chỉ là khi nào mà thôi. Vì vẫn có nhiều doanh nghiệp chết không làm đám ma”.
Lãi suất trái phiếu bất động sản “quá” hấp dẫn
Theo báo cáo của FiinGroup, quy mô giá trị phát hành sơ cấp trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước mặc dù có giai đoạn trì hoãn lại sau khi Nghị định 153 và 155 đi vào hiệu lực. Trong đó, ngành Bất động sản với giá trị phát hành đạt 172 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.
Trái phiếu bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư vì lãi suất cao (ảnh minh hoạ)
Trước nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn từ doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng gia tăng huy động vốn qua kênh trái phiếu nhằm thực hiện tăng vốn cấp 2 và cải thiện tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN.
Trả lời cho câu hỏi vì đâu mà thị trường trái phiếu tăng nóng trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup lý giải rằng, trong vòng 5 năm trở lại đây, sau cuộc khủng hoảng của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, thì các cơ quan làm chính sách và chủ trương của ngành ngân hàng là tập trung vào vốn ngắn hạn, trung hạn, còn kênh vốn dài hạn thì để dành cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là kênh trái phiếu doanh nghiệp hoặc vốn cổ phần. Điều đó phụ thuộc vào chủ trương và định hướng phát triển vai trò của bốn trụ cột trên thị trường vốn, cũng như những thay đổi về pháp lý vừa mở nhưng lại vừa nắn các kênh phát hành trái phiếu.
“Chúng tôi nghĩ, chủ yếu là năng lực về mặt cho vay dài hạn của các ngân hàng không lớn, đặc biệt vừa qua chúng ta phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo ở Việt Nam với nhu cầu vốn rất lớn. Mà theo FiinGroup và Ngân hàng Thế giới ước tính, con số này có thể lên đến 50 tỷ USD trong vòng 3-5 năm nữa. Với quy mô như vậy, thì bảng cân đối kế toán của ngân hàng không thể chịu được, vì vậy các chủ đầu tư phải tìm đến nguồn vốn mới bằng cách phát hành trái phiếu trực tiếp từ đại chúng”.
Vị Tổng giám đốc FiinGroup vẫn kỳ vọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ lớn mạnh hơn nữa, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng và chứng khoán. Đặc biệt trong tương lai, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ vượt quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán, giống nhiều thị trường trong khu vực.
Còn theo phân tích của ông Nguyễn Nhật Hoàng (Fiin Ratings) trên thị trường trái phiếu hiện nay có hai nhóm ngành là những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất gồm ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản, chiếm giá trị khoảng 70-75 % toàn bộ giá trị phát hành, với lãi suất tương đối hấp dẫn. Cụ thể, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có lãi suất khoảng 10,4 % trong 9 tháng năm 2021, được xem là mức lãi suất tương đối hấp dẫn trong bối cảnh tiền gửi tiết kiệm rất thấp, từ 6-7% cho kỳ hạn dài.
Với trái phiếu ngân hàng, mức lãi suất chỉ từ 4-5%, có thể coi đây là công cụ giúp cho ngân hàng tăng nguồn vốn cấp hai, mà các trái phiếu ngân hàng chủ yếu được sở hữu bởi các ngân hàng và tổ chức tín dụng hay định chế tài chính khác.
“Doanh nghiệp chết không làm đám ma”
Trước sự tăng nóng của thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Xây dựng đều đã đưa ra cảnh báo, lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Theo đó, trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Thực tế có rất nhiều nhà đầu tư đã phải trải qua việc thu gốc và lãi từ đầu trái phiếu
Báo cáo của FiinGroup chỉ ra, trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản dân cư phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Trên thực tế, tài sản thế chấp hay tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng tạo áp lực cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ, trong khi giá trị thu hồi rất thấp do tính phức tạp của các thủ tục xử lý tài sản thế chấp và thời gian kéo dài.
Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, có hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp niêm yết đã đầu tư hàng nghìn tỷ vào trái phiếu doanh nghiệp. Vậy câu chuyện đặt ra là rủi ro và thực tế của trái phiếu ra sao? Đã nói đến tín dụng thì phải có nợ xấu, đầu tư chứng khoán phải có rủi ro và khi đầu tư trái phiếu sẽ có khả năng bị chậm thu lãi và gốc trong tương lai mà chúng ta hay gọi bằng từ “vỡ nợ”. Thực tế việc chậm thu gốc và lãi, có rất nhiều nhà đầu tư đã phải trải qua và việc đó vẫn đang xảy ra trên thị trường vốn khá thường xuyên.
“Thị trường trái phiếu hiện nay mới bắt đầu và chúng ta bắt đầu quan tâm đến nó, câu chuyện “vỡ nợ” nếu 3-5 năm nữa không xảy ra thì tốt, còn nếu xảy ra thì chúng ta hãy chuẩn bị cho nó. Điều khác biệt là các nhà đầu tư tổ chức họ đánh giá rất kỹ các khoản đầu tư, có trích lập dự phòng tùy theo chất lượng, kể cả trong trường hợp có chậm trả lãi. Còn với nhà đầu tư cá nhân, thông điệp mà chúng tôi muốn nhà đầu tư hình dung đó là, giống như ngân hàng đã cho vay thì sẽ có nợ xấu, do vậy, rủi ro từ trái phiếu là có nhưng chỉ là khi nào mà thôi. Vì vẫn có nhiều doanh nghiệp chết không làm đám ma”, ông Thuân khuyến nghị.
Về câu chuyện rủi ro, ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings cho biết, liên quan đến rủi ro chính mà các nhà đầu tư cần nắm bắt được khi tham gia hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể có bốn nhóm như sau:
“Tuy nhiên, với các nhà đầu tư không hoạt động trong lĩnh vực tài chính hoặc có kiến thức về tài chính kế toán sẽ rất khó để đưa ra được các phân tích có chiều sâu về rủi ro mà đơn vị phát hành có thể gặp phải, nên thường bị hấp dẫn bởi mức lãi suất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nên lãi suất của Việt Nam đang giữ ổn định ở mức thấp”, ông Khang nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận