Trái phiếu ngân hàng lãi suất thấp so với nhóm ngành khác nhưng vẫn đắt hàng
Lãi suất trái phiếu ngân hàng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp bất động sản và cả lãi suất tiết kiệm nhưng các đợt phát hành của các nhà băng đều nhanh chóng thành công
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, chỉ tính riêng tháng 5/2021, có 46 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 28.140 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng; nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng phát hành trái phiếu để huy động vốn với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với nhóm bất động sản. Thậm chí, lãi suất trái phiếu của ngân hàng còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhưng các đợt phát hành của nhà băng với quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi đợt đều thành công.
Đơn cử, đầu tháng 6/2021, BIDV đã phát hành thành công 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, lãi suất áp dụng cho kỳ thanh toán đầu tiên là 6,2%/năm. Một tổ chức đã mua trọn lô trái phiếu này của ngân hàng. VietinBank với 2 đợt huy động 1.585 tỷ đồng, lãi suất 6,47- 6,7%/năm;...
Tại các ngân hàng TMCP phát hành riêng lẻ huy động trái phiếu nhằm tăng vốn để phục vụ nhu cầu cho vay, lãi suất từ 3,7- 4,2%/năm. Chẳng hạn, ngày 8/6 ngân hàng SHB đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 3,8%/năm.
Ngày 31/5, BacABank đã phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4,2%/năm. Đợt phát hành được 2 tổ chức tín dụng mua vào.
Tương tự, ngày 10/05, ngân hàng TPBank cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu trực tiếp cho công ty chứng khoán trong nước. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4,1%/năm.
Có thể thấy, nếu so với nhóm bất động sản thì trái phiếu nhóm ngân hàng lãi suất rất thấp.
So với trái phiếu doanh nghiệp các nhóm ngành khác, trái phiếu ngân hàng được đánh giá là có độ an toàn cao nhất bởi tính thanh khoản cao và các ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản dù lãi suất cao gấp 3-4 lần nhưng sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được việc sử dụng tiền của những nhà phát hành trái phiếu này.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng với các loại trái phiếu lãi suất cao bởi tỷ lệ sinh lời càng lớn sẽ càng nhiều rủi ro, cần "chọn mặt gửi vàng," tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp, tính thanh khoản của sản phẩm, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào, đến khi nhà phát hành không có khả năng trả nợ thì việc đòi lại tiền sẽ rất khó khăn.
Các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng vì thị trường bất động sản đang khá nóng, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu cũng đang tăng lên sẽ gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.
Mặt khác, dự báo của giới chuyên gia cho rằng nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2 (vốn bổ sung), tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận