24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phan Hà Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trái phiếu doanh nghiệp: Thời điểm chín muồi để siết lại quản lý

Nhà đầu tư trái phiếu cần một cơ chế lành mạnh hơn để họ có niềm tin vào thị trường trái phiếu và nếu các doanh nghiệp BĐS có tình hình hoạt động kinh doanh tốt, an toàn… thì nhà đầu tư sẽ tìm đến

Sự ổn định mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt được sau gần một năm áp dụng Nghị định 08/2023 (Nghị định 08) về sửa và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Nghị định 65/2022 (Nghị định 65), liên quan việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, dường như đã tạo niềm tin rằng, đã tới thời điểm chín muồi áp dụng đầy đủ Nghị định 65. Chưa kể, nếu thêm một lần trì hoãn, nhiều khả năng sẽ xuất hiện một số doanh nghiệp muốn “nhờn” luật.

Trước lý do… đỉnh đáo hạn trong năm 2024

Lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn chi trả đạt mức kỷ lục trong năm 2024 với gần 300.000 tỉ đồng và giảm không quá đáng kể vào năm 2025, ước tính còn 270.000 tỉ đồng, theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Yuanta. Dường như đây đang là lý do được cho là thuyết phục nhất của những lập luận muốn kéo dài thời hạn ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Nghị định 65, được xác định trong Nghị định 08 là 31-12-2023. Với áp lực nợ trái phiếu đến hạn năm 2024 lên tới 154.800 tỉ đồng theo FiinGroup, dễ hiểu vì sao khi ngay từ đầu tháng 10-2023, nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS) với tiếng nói đại diện đến từ Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) đã nóng ruột đề xuất tiếp tục thực hiện đầy đủ Nghị định 08 cả trong năm 2024.

Dù vậy, trong một cuộc họp tổ chức cuối tháng 11-2023, Bộ Tài chính đã đề nghị… thực hiện đầy đủ Nghị định 65 từ ngày 1-1-2024.

Có vẻ như, các thông tin và lý lẽ được Bộ Tài chính đưa ra có tính thuyết phục cao hơn quan điểm của nhóm doanh nghiệp BĐS nêu ra trước đó.

Thứ nhất, trong trường hợp doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS, chưa đủ năng lực trả nợ trái phiếu đáo hạn, phương án đàm phán đã được thực hiện trong năm 2023 là đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác (chủ yếu bằng sản phẩm bất động sản); thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (thay đổi về thời gian, phương thức, tần suất thanh toán gốc, lãi trái phiếu) hay kéo dài kỳ hạn trái phiếu không quá hai năm. Dù có thực hiện đầy đủ Nghị định 65 từ 1-1-2024, chiếc phao cứu sinh nói trên vẫn tiếp tục được áp dụng.

Thứ hai, về quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có thể đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ), Nghị định 65 quy định nhà đầu tư cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Nghị định 08, hoãn thi hành điều khoản này đến hết ngày 31-12-2023, đã giúp nhà đầu tư cá nhân tích lũy đủ thời gian 180 ngày để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Mặt khác, theo các quy định khác của pháp luật về chứng khoán, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể dựa vào chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỉ đồng. Vậy nên, giả sử Nghị định 65 có làm khó các nhà đầu tư muốn nhận tư cách chuyên nghiệp, họ vẫn có nhiều lựa chọn tuân thủ pháp luật khác.

Tất nhiên, nếu mong muốn ẩn giấu trong các động thái đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 08 là để tiếp tục duy trì tình trạng nhập nhèm về chất lượng nhà đầu tư F2, nhóm đối tượng hấp thụ lượng TPDN riêng lẻ do các nhà đầu tư F1 lớn là ngân hàng thương mại hay công ty chứng khoán phân phối, thì điều này đương nhiên là không thỏa đáng. Bởi lẽ, một trong những yếu tố căn bản giúp thị trường TPDN ổn định, bền vững là các giao dịch được thực hiện minh bạch, công bằng, trong đó, bên bán trình bày rõ lợi ích và rủi ro của thương vụ còn bên mua có đủ năng lực kiến thức, tài chính… để nhận thức về rủi ro, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định của họ.

Theo TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc nhiều doanh nghiệp BĐS than khó là hết sức bình thường, bởi họ luôn làm vậy khi một chính sách bị siết. Tuy nhiên, về lâu dài, việc thực hiện đầy đủ Nghị định 65 sẽ tốt hơn cho các doanh nghiệp BĐS làm ăn chân chính và có thực lực.

“Nhà đầu tư trái phiếu cần một cơ chế lành mạnh hơn để họ có niềm tin vào thị trường trái phiếu và nếu các doanh nghiệp BĐS có tình hình hoạt động kinh doanh tốt, an toàn… thì nhà đầu tư sẽ tìm đến”, TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh khẳng định.

Đặt gạch xây… nền tảng

Việc Nghị định 08 sửa và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Nghị định 65 phải được xem như giải pháp mang tính tình thế, đặc biệt sau vụ việc Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Như đánh giá của Bộ Tài chính, từ quí 2-2023 đến nay, thị trường đã dần ổn định trở lại, vì vậy, áp dụng đầy đủ Nghị định 65 có thể coi là một trong những viên gạch đầu tiên hiện thực hóa nhiệm vụ tạo dựng một thị trường TPDN ổn định, lành mạnh để phát triển. Thậm chí, theo các chuyên gia, chỉ áp dụng Nghị định 65 là chưa đủ.

TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh chỉ ra hai vấn đề căn bản. Thứ nhất, việc tổ chức thực thi pháp luật về quản lý thị trường chứng khoán chưa được tốt, thậm chí tồn tại nhiều tiêu cực. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài và không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc.Thế nên, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thị trường TPDN phát triển lành mạnh là cần tập trung chấn chỉnh việc giám sát thực thi các quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng.

Thứ hai, sự phát triển của thị trường TPDN phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô. Doanh nghiệp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản nợ nói chung và nợ trái phiếu nói riêng phần nhiều do hoạt động kinh doanh, tình hình kinh tế vĩ mô. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp phải tái cơ cấu mạnh mẽ. Về phần mình, cơ quan quản lý cần có các giải pháp cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô giúp các thành phần kinh tế phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật điều chỉnh thị trường TPDN vận hành công bằng và hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp là bài toán cần có lời giải sớm hơn. Chẳng hạn, triển khai việc bảo lãnh trái phiếu sẽ khiến tính hấp dẫn về mặt lãi suất của TPDN giảm sút. Cần đưa ra giải pháp bổ sung nào để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào kênh tạo dựng nguồn tín dụng trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế? Hay việc hạn chế nhà đầu tư không chuyên nghiệp tham gia mua bán TPDN riêng lẻ sẽ khiến thị trường vốn mất đi một phần nguồn lực. Làm cách nào để huy động được nguồn tín dụng mà vẫn bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhóm nhà đầu tư này?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả