Trái phiếu doanh nghiệp: Kênh huy động vốn lành mạnh hay chỉ là “sân sau” của nhà băng?
Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bỗng dưng nóng hơn bao giờ hết khi gia tăng đáng kể về chất lẫn lượng. Thế nhưng, trái phiếu doanh nghiệp có thực sự trở thành kênh huy động vốn lành mạnh hay chỉ là “sân sau” cho các nhà băng?
Gần đây, các doanh nghiệp đang khai thác trái phiếu doanh nghiệp như một kênh huy động vốn do những đặc tính tốt hơn tín dụng như thủ tục phát hành không quá phức tạp, các điều kiện phát hành linh hoạt hơn, có thể được giải ngân một lần với giá trị lớn, không phải chuẩn bị các hồ sơ rườm rà mỗi lần giải ngân, có thể cấu trúc sản phẩm theo nhu cầu và nhất là có thể đa dạng hóa nhà đầu tư, hạn chế phụ thuộc vào tổ chức tín dụng.
Theo báo cáo của VCBS, đối tượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu vẫn là các NHTM vì nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn được tính vào room tín dụng của các ngân hàng như các khoản tín dụng thông thường. Tuy nhiên đã có sự dịch chuyển sang các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư khi thị trường đang ghi nhận làn sóng chuyển dịch cơ cấu bắt nguồn từ nhu cầu đầu tư thực tế của tổ chức tài chính đối với trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh cơ hội đầu tư vào trái phiếu Chính phủ đang không còn hấp dẫn.
Dự thảo mới có mở đường cho TPDN?
Theo Báo cáo Thị trường Trái phiếu Tiền tệ của CTCK MB (MBS), từ đầu năm 2019 đến nay, có trên 60,000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành. Trong đó nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ trọng đến 82%.
Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN vừa qua đã đưa ra lộ trình đưa tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30%. Hiện tại tỷ lệ này được quy định ở mức tối đa là 40% từ 1/1/2019, giảm từ mức 45% năm 2018. Để đảm bảo tỷ lệ này giảm về mức 30%, các ngân hàng sẽ phải tiến hành tăng nguồn vốn ngắn hạn cũng như nguồn vốn trung dài hạn, đồng thời giảm tổng dư nợ trung dài hạn.
TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Kinh tế cho biết việc NHNN đưa tỷ lệ cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% là đúng, tức là nguồn vốn nào cho vay cái đó, vốn ngắn hạn cho vay ngắn hạn, vốn trung hạn cho vay trung hạn và dài hạn cho vay dài hạn. Bản chất của NHTM chủ yếu là vay tài chính cá nhân và vay vốn lưu động cho doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp phải là vốn trung dài hạn, tức là vốn chủ sở hữu của công ty, từ trái phiếu dài hạn, từ quỹ đầu tư thì mới lành mạnh.
Chính vì vậy mà gần đây các ngân hàng phát hành trái phiếu như một kênh huy động vốn vốn trung và dài hạn. Như gần đây nhất là trường hợp của TPBank (TPB) đã thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm 2019. VietinBank (CTG) cũng đã Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về việc phát hành 10,000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2019.
Tính ra từ đầu năm đến nay, ACB cũng đã phê duyệt phương án phát hành 2,500 trái phiếu riêng lẻ đợt 1 trong năm 2019, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu tương ứng tổng giá trị phát hành là 2,500 tỷ đồng…
TPDN có phải là một “biến tướng” khác của tín dụng?
TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Kinh tế |
TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ bên lề Hội thảo “Thị trường thẻ tín dụng”, trong 20 năm nay, thị trường chứng khoán phát triển nhưng những sản phẩm như chứng quyền, nhưng trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển, TPDN muốn phát triển trước tiên phải có tổ chức xếp hạng tín nhiệm đủ uy tín như Moody’s, S&P…
Thứ hai là phải có thị trường giao dịch sôi động, như New York, giao dịch trái phiếu gấp 3 lần cổ phiếu, còn Việt Nam hiện tại chỉ có trái phiếu Chính phủ.
Nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn phát hành được, vẫn từ ngân hàng mua là chủ yếu. Thực tế trước đây đã có dạng như vậy, vì ngân hàng mua trái phiếu và xếp vào kênh đầu tư, còn bị hạn chế bởi tín dụng. Song song đó, sau này NHNN quy định đưa vào tín dụng, nhưng khi ngân hàng mua trái phiếu không đưa vào quy trình thủ tục của tín dụng. Như vậy một doanh nghiệp vay bằng tín dụng thông thường sẽ bị hạn chế bởi nhiều thứ và họ sẽ biến hình thức này qua trái phiếu để ngân hàng mua. Tín dụng ngân hàng vẫn có thể cho vay lãi suất cao nhưng có hạn chế nhất định, phải có quy trình, xét duyệt theo dự án đầu tư, thế chấp tài sản.
Trước đây các chuyên gia từng chia sẻ doanh nghiệp quá phụ thuộc vốn ngân hàng, hãy dùng một kênh khác ví dụ như kênh trái phiếu… Về hình thức là an toàn, nhưng nội dung có đúng không, nếu đúng là vốn khác từ nhà đầu tư cá nhân không phải từ ngân hàng thì đúng. Còn nếu là vốn từ ngân hàng thì đây là sự biến tướng của tín dụng, và trước đây đã có.
Khi vay vốn ngân hàng phải có quy trình thủ tục thế chấp, nhưng khi chuyển qua tín chấp thì trở về vấn đề là “sân sau” của ngân hàng, như vậy có thể thông qua hết quy trình của tín dụng.
Đối với các công ty bất động sản phát hành trái phiếu, về lâu dài thì thị trường và cơ cấu của công ty bất động sản phải ổn định, bản thân công ty bất động sản phải là công ty đầu tư, nếu bây giờ dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, bất động sản lúc nào cũng an toàn vững chắc nhưng nếu gặp giai đoạn suy thoái, công ty bất động sản sẽ bị hụt thanh khoản.
Trong 5 tháng đầu năm nay, cơ cấu tín dụng của ngân hàng, mặc dù NHNN đang siết tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lượng tín dụng vẫn cao hơn huy động, cao hơn lượng cung tiền M2, như vậy rủi ro thanh khoản ngân hàng thế nào? Nếu TPDN bán không tốt thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro.
Nói như vậy TPDN nếu được khai thác theo đúng cách và lành mạnh thì sẽ bổ sung nguồn vốn huy động cho ngân hàng, giải quyết được nhiều bài toán nan giải về vốn. Tuy nhiên, nếu không đúng hướng thì cả doanh nghiệp và ngân hàng đều gặp rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận