Trái phiếu doanh nghiệp: Đã ‘hạ cánh mềm’ nhưng ‘đỉnh’ đáo hạn còn ở phía trước
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cho là đã “hạ cánh mềm” sau những biến cố song khó khăn vẫn rất lớn khi áp lực đáo hạn sẽ “lên đỉnh” trong năm 2024.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho biết quí 1-2023 hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu. Tình hình chỉ được cải thiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ (tháng 3-2023). “Từ quí 2 trở đi, khối lượng phát hành tháng sau cao hơn tháng trước. Đến hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng 220.000 tỉ đồng”.
Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định 08/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp và nhà đầu tư (trái chủ) đã nỗ lực đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Đến nay khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán; tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2-2023 lên 63% vào tháng 10-2023.
“Tuy còn rào cản nhưng thị trường đang phục hồi tích cực, niềm tin đang trở lại nhờ bốn nhóm chính sách mang tính quyết định”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nói trong tọa đàm. Đầu tiên là sự ra đời của Nghị định 08/2023/NĐ-CP “với những quyết sách chưa có tiền lệ”. Cụ thể là cho phép doanh nghiệp phát hành đàm phán với nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản, đàm phán gia hạn thêm thời gian đối với trái phiếu, tạm ngưng một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP (quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; quy định về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu). Bên cạnh đó, việc vận hành hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung từ tháng 7-2023 là điểm quan trọng làm tăng thanh khoản và tính minh bạch của thị trường. Theo thống kê của HNX, đã có 760 mã TPDN của 200 tổ chức phát hành được đưa lên hệ thống này, đẩy thanh khoản tăng 20-30 lần so với giai đoạn trước. Hai nhóm quyết sách khác, theo TS. Cấn Văn Lực, là chúng ta đã phát triển một số điều kiện tiến tới thị trường lành mạnh hơn, ví dụ có thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm bắt đầu vận hành và các vụ việc vi phạm TPDN đã được xử lý quyết liệt.
Đến thời điểm này có thể nói thị trường TPDN đã “hạ cánh mềm”, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, bình luận. Cụm từ “hạ cánh mềm” thường dùng để mô tả các nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc ngăn chặn nền kinh tế bị nóng lên quá mức, hoặc phải chịu đựng lạm phát cao. Thuật ngữ này cũng có thể đề cập đến một lĩnh vực của nền kinh tế sẽ chậm lại nhưng không sụp đổ – xét theo nghĩa này, nhận xét của Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, là có lý.
Dù vậy, rủi ro và áp lực vẫn đang trực chờ phía trước khi giá trị TPDN đáo hạn sẽ “lên đỉnh” trong năm 2024. Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tổng giá trị TPDN đáo hạn năm 2024 là 329.500 tỉ đồng trong khi năm 2022 là 144.500 tỉ đồng, năm 2023 là 271.400 tỉ đồng.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết, áp lực trái phiếu đáo hạn vẫn đang “bủa vây” các doanh nghiệp địa ốc. Tổng giá trị trái phiếu do nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với tổng giá trị trái phiếu đến hạn. Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp bất động sản đã mua lại khoảng 219.000 tỉ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản đã mua lại khoảng 153.800 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu của nhóm này trong hai tháng cuối năm 2023 và năm 2024 lần lượt là 15.600 tỉ đồng và 121.100 tỉ đồng. Việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp các chủ đầu tư có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ để phục hồi – về cơ bản chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường sẽ phải quay lại áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP từ đầu năm 2024, do Nghị định 08/2023/NĐ-CP chỉ cho phép tạm ngưng áp dụng ba nội dung của Nghị định 65/2022/NĐ-CP (đã nhắc tới ở trên) đến hết tháng 12-2023.
“Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta quay trở lại Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhưng cần có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất. Ví dụ, việc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn, nên phân ra nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần. Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp 2 và họ được quản lý chặt chẽ qua các hệ số an toàn của Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, chúng ta có ba doanh nghiệp hoạt động xếp hạng tín nhiệm (FiinRatings, Saigon Ratings và VIS Rating), đều có sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới. “Các tổ chức này có thể có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ cho thị trường; còn lộ trình như thế nào, chúng tôi sẽ đánh giá thêm để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi các điều khoản hoãn, giãn của Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực”.
Thời gian còn lại không nhiều trong khi khó khăn vẫn ở phía trước. Bởi vậy, đúng như ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề xuất: “Ngay từ bây giờ, cần rà soát Nghị định 08/2023/NĐ-CP, nội dung nào tiếp tục áp dụng, nội dung nào không. Việc này hết sức cần thiết và phải làm khẩn trương với nguyên tắc là phải tạo thuận lợi cho thị trường phát triển trong năm 2024”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận