24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trái phiếu doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển theo chiều sâu

Chủ trương tăng quy mô của thị trường trái phiếu lên tương đương 25% GDP vào năm 2030 là mục tiêu tham vọng và có nhiều việc phải làm.

Hoạt động phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những tín hiệu tích cực. Xung quanh diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị của FiinGroup.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua đã có những bước phục hồi đáng kể. Ông có thể đánh giá bức tranh của thị trường tới thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Sau thời gian trầm lắng, thậm chí là gặp nhiều khó khăn, có thể nói thị trường TPDN đã “hạ cánh mềm”, nhất là trái phiếu cũ (bất động sản, năng lượng tái tạo). Thị trường bước vào giai đoạn mới, với sự tham gia nhiều hơn của những doanh nghiệp minh bạch, có chất lượng tốt, trong đó có trái phiếu hạ tầng, nước, rác thải… Sự xuất hiện của các tổ chức bảo lãnh tham gia vào thị trường trái phiếu góp phần cho triển vọng phát triển của thị trường, chậm nhưng bền vững hơn, đi vào chiều sâu.

Xét về cơ cấu phát hành theo ngành nghề, các ngân hàng thương mại áp đảo trên thị trường sơ cấp, chiếm tới 87% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn trái phiếu mặc dù chưa được kéo dài, các tổ chức tín dụng ưu tiên phát hành 3 năm, 5 năm, nhưng từng bước góp phần giúp TPDN đi vào chiều sâu, hỗ trợ tăng trưởng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh doanh.

Năm qua nhiều quy định mới liên quan đến thị trường TPDN được ban hành, cũng như có hiệu lực. Ông đánh giá như thế nào về độ thẩm thấu của những chính sách này tới thị trường TPDN?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã giúp thị trường “hạ cánh mềm”, tức là trái chủ, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà phát hành đã chủ động tái cấu trúc, giãn hoãn nợ trái phiếu, tạo bước đệm để các bên có thể xử lý dần áp lực đáo hạn đối với số dư nợ còn đang lưu hành và chuẩn bị cho giai đoạn mới. Những chính sách đó, tôi đánh giá là phù hợp và hữu ích cho sự “hạ cánh mềm” của thị trường.

Để thị trường phát triển lành mạnh bền vững hơn, ông có đề xuất những chính sách giải pháp gì?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Một chủ trương lớn mà Chính phủ và Bộ Tài chính cũng như các bộ, ban, ngành thời gian gần đây thực hiện là việc phát triển nhà đầu tư tổ chức cho thị trường chứng khoán nói chung, TPDN nói riêng. Nhà đầu tư tổ chức không thể phát triển được nếu thiếu hạ tầng mềm, đó không chỉ là thanh khoản, giao dịch, công bố thông tin mà những dữ liệu tham chiếu, xếp hạng tín nhiệm để nhà đầu tư có thể phân bổ danh mục đầu tư, tài sản theo rủi ro.

Cơ sở hạ tầng mềm là tiền đề để có thể phát triển nhà đầu tư tổ chức, minh bạch hóa thị trường để thị trường TPDN trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, phát triển mạnh hơn, song song với kênh cổ phiếu, cũng như kênh ngân hàng.

Sau một năm đi vào hoạt động thị trường thứ cấp đã có những thành công, ông đánh giá như thế nào về vai trò của thị trường thứ cấp trong việc phát triển thị trường TPDN nói chung?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động thị trường thứ cấp thanh khoản khoảng trên 4.000 tỷ đồng/ngày. Nếu so sánh với thị trường cổ phiếu, thì mức thanh khoản của thị trường TPDN từng bước tiệm cận với thị trường cổ phiếu. Đặc thù của Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân tham gia vào trái phiếu riêng lẻ còn rất nhiều, vì thế bên cạnh chất lượng, thì thanh khoản cũng là tiêu chí được nhà đầu tư quan tâm khi sở hữu tài sản này.

Về quy mô, hiện tại có hơn 1.000 mã trái phiếu giao dịch trên HNX, cổ phiếu niêm yết cũng khoảng 1.400 -1.500 mã. Tôi dự báo thời gian tới số lượng mã trái phiếu có thể sẽ vượt cổ phiếu.

Vai trò của thị trường TPDN thứ cấp được khẳng định là rất lớn, không chỉ góp phần minh bạch cho thị trường trái phiếu nói chung trong suốt vòng đời trái phiếu mà còn là tham chiếu cho thị trường sơ cấp. Bởi những dữ liệu giao dịch, giá trên HNX sẽ được sử dụng làm căn cứ tính toán các chỉ báo, chỉ số cho thị trường sơ cấp.

Vậy ông dự báo như thế nào về sự phát triển của thị trường trái phiếu từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Quang Thuân: Thị trường TPDN đang bước vào chu kỳ phát triển mới, phát triển chậm nhưng chắc đi vào chiều sâu. Chủ trương tăng quy mô của thị trường trái phiếu lên tương đương 25% GDP vào năm 2030 là mục tiêu tham vọng và có nhiều việc phải làm. Vấn đề không chỉ là chính sách, hạ tầng thị trường, mà còn là thúc đẩy phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức. Thị trường trái phiếu phần lớn dành cho tổ chức tham gia, nhà đầu tư cá nhân nên tham gia thông qua các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, bởi để đánh giá được rủi ro cho 1 lô trái phiếu, với nhà đầu tư cá nhân (kể cả những người làm trong ngành tài chính) gần như là bất khả thi. Ngoài ra, theo tôi được biết các cơ quan có thẩm quyền đang rà soát để phân bổ trái phiếu theo rủi ro thay vì theo ngành, tất cả quy đổi ra một thang bảng chung về mức độ rủi ro.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả