Trái phiếu cổ Trung Quốc: “Vũ khí bí mật” trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung?
Những thứ dễ dàng tìm được trong gác xép và tầng hầm của hàng nghìn người dân ở xứ cờ hoa có thể trở thành “Vũ khí bí mật” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu nóng trở lại, một lần nữa, "món nợ nghìn tỷ USD trái phiếu cổ" của Trung Quốc lại được nhắc tới. Nhưng liệu đây có phải là thứ vũ khí hữu hiệu cho tổng thống Donald Trump trên bàn đàm phán với Bắc Kinh?
Nguồn gốc của "khối trái phiếu cổ nghìn tỷ USD"
Hồi tuần trước, chuyên trang kinh tế của đài Fox News giật tít lớn: "Số trái phiếu hơn một thế kỷ trị giá 1,6 nghìn tỷ USD đem lại lợi thế đặc biệt cho ông Trump trước Trung Quốc".
Nhưng những trái phiếu này xuất phát từ đâu?
Theo Bloomberg, thực chất những trái phiếu Trung Quốc cổ quá hạn này, có thể được tìm thấy trong gác xép và tầng hầm của hàng nghìn người Mỹ. Chúng cũng được nhiều người rao bán trên các trang thương mại điện tử như Amazon hoặc trên EBay, nằm trong các bộ sưu tập giấy tờ có giá cũ, và thường có giá khoảng vài trăm USD mỗi tờ.
Một trong những loại trái phiếu Trung Quốc như vậy, được cho là phát hành năm 1911 nhằm tài trợ việc xây dựng tuyến đường sắt Hồ Quảng, đoạn từ Hán Khẩu (nay thuộc Thành phố Vũ Hán) đến tỉnh Tứ Xuyên của triều đình nhà Thanh. Cho đến trước năm 1938, các chính quyền ở Trung Quốc được cho là đã huy động tới 2,5 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế để tài trợ cho các dự án tương tự như thế này.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay được thành lập vào năm 1949, các khoản nợ kể trên không còn được công nhận, bởi phía Trung Quốc coi đây là một tàn dư của giai đoạn "Bách niên quốc sỉ" ("Trăm năm ô nhục"), khiến họ bị lệ thuộc kinh tế vào nước ngoài.
Theo nhà báo Tracy Alloway từ văn phòng Bloomberg tại Hong Kong (Trung Quốc): "Trung Quốc lập luận, những tài sản này rơi vào một loại hình gọi là ‘nợ vô đạo’ (odious debt), hoàn toàn bất công ngay từ ban đầu, và việc đòi hỏi thanh toán khoản nợ này là vô lý. Tuy nhiên khái niệm này còn rất mơ hồ, và khó có thể bàn luận trên phương diện pháp lý"
Không chỉ Trung Quốc, trong quá khứ đã từng có những trường hợp các quốc gia không chấp nhận kế thừa khoản nợ cũ mà họ cho là không thỏa đáng. Một ví dụ là chính quyền Liên Xô đã tuyên bố bác bỏ tất cả những khoản nợ do chính quyền Nga Hoàng vay mượn trước Cách mạng tháng Mười.
Ngay tại Mỹ, một trong các nội dung của Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, thông qua vào năm 1868, cũng phủ nhận mọi nghĩa vụ với các khoản nợ "nhằm trợ giúp việc nổi loạn chống lại Liên bang", ám chỉ nợ của Hợp bang miền Nam trong cuộc Nội chiến từ năm 1861-1865.
Từ đồ chơi sưu tầm đến "vũ khí chiến lược"
Với những vấn đề kể trên, mong muốn thu hồi tiền gốc từ những trái phiếu kể trên nghe có vẻ viển vông. Nhưng thực ra, những nỗ lực để làm việc này đã kéo dài suốt hàng thập kỷ – dù tất nhiên chưa có ai thành công.
Đi đầu trong tham vọng này hiện nay là "Hiệp hội Trái chủ Mỹ" (ABF), một tổ chức của những người sở hữu các loại trái phiếu cổ Trung Quôc, do bà Jonna Bianco, một chủ trại gia súc ở Tennessee, làm đồng sáng lập và chủ tịch. ABF cũng tuyên bố có sự tham gia của nhiều cựu quan chức, như Bill Bennett, cựu Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Tổng thống Reagan; hay Michael Socarras, người được Tổng thống Bush đề cử công tố viên trưởng Không quân.
Nhưng chỉ đến khi tổng thống Trump lên nắm quyền và khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thì mục tiêu của các thành viên ABF mới thật sự được báo chí để mắt đến. "Tổng thống Trump thật sự là một làn gió mới" – bà Bianco hồ hởi chia sẻ với Bloomberg: "Ông ấy là người luôn đặt nước Mỹ lên trên hết. Chúa phù hộ ông ấy".
Hồi tháng 8/2018, các đại diện của ABF đã có cơ hội gặp gỡ nhà lãnh đạo nước Mỹ. Họ cũng đã tiếp xúc với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross vào năm 2019, dù phía 2 bộ này từ chối bình luận.
Theo Bloomberg, dường như chính quyền tổng thống Trump sau đó đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu vấn đề này. Câu chuyện về số trái phiếu này bắt đầu được báo chí Mỹ nhắc tới vào khoảng tháng 8 năm ngoái, khi cuộc chiến thương mại đang trên đỉnh điểm căng thẳng.
Ý tưởng của ABF, theo Fox, đó là họ sẵn sàng "chỉ nhận vài xu trên mỗi đô la" trong con số tổng giá trị được cho là lên đến 1.600 tỷ USD của số trái phiếu mình đang nắm giữ. Phần còn lại, nước Mỹ có thể dùng để thanh toán cho số trái phiếu Kho bạc mà Trung Quốc mua, cũng như các khoản nợ công khác mà tổng cộng đã vượt 25 nghìn tỷ USD.
Đi xa hơn thế, bà Bianco còn cho rằng, việc không thanh toán các trái phiếu này đồng nghĩa Trung Quốc đã "vỡ nợ một phần" theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng như Moody's, Standard & Poors và Fitch. Do đó, nước này nên bị ngăn chặn phát hành các trái phiếu quốc tế đến khi trả xong nợ.
Lập luận này dựa trên cơ sở của một sự kiện tương tự hồi năm 1987: Trung Quốc đã thanh toán 23,5 triệu Bảng nợ trái phiếu cổ của các nhà đầu tư Anh, như một phần của thỏa thuận trao trả Hong Kong. Thủ tướng Anh khi đó, "bà đầm thép" Margaret Thatcher đã đe dọa chặn việc Trung Quốc tham gia thị trường vốn London, trước khi 2 bên đạt thỏa thuận trả nợ.
"Nước Mỹ luôn trả các khoản nợ của mình, và Trung Quốc cũng cần làm điều tương tự", bà Bianco bày tỏ tin tưởng.
Trái phiếu cổ Trung Quốc - "Vũ khí" thực hay ảo?
Dù có vẻ thông điệp của bà chủ trại từ Tennessee được nhận sự hưởng ứng tinh thần từ vị tổng thống, thì các chuyên gia pháp lý lạc quan nhất cũng chẳng mấy tin tưởng rằng, ABF hay chính phủ Mỹ sẽ đòi được đồng nào từ những khoản nợ có tuổi đời đến 1 thế kỷ.
Trả lời Fox, giáo sư luật Odette Lienau từ Đại học Cornell cho rằng: "Đây là một vụ việc rất khó để đưa ra kiện tụng bởi những trái phiếu này đã quá cũ. Về mặt kỹ thuật thì không có gì là quá muộn, nhưng trên thực tế, thì rõ ràng là phải rất có đầu óc mới có thể đi đến thành công". Giáo sư Mitu Gulati từ Đại học Duke thì thẳng thừng: "Tôi nghĩ bất cứ quan chức Bộ Tài chính nào cũng đều thấy rằng, đây là một việc điên rồ".
Dù vậy trong quá khứ, đã từng có một nỗ lực pháp lý đòi nợ chính quyền Trung Quốc, và thậm chí suýt nữa đã thắng kiện. Năm 1979, một nhóm chủ sở hữu trái phiếu Đường sắt Hồ Quảng đã đệ đơn kiện tại bang Alabama, yêu cầu thanh toán cho những trái phiếu cổ này. Năm 1981, tòa án khu vực ra phán quyết yêu cầu thanh toán số tiền hơn 41 triệu USD, bất chấp những sự phản đối từ phía Trung Quốc.
Phải tới khi phía nguyên đơn yêu cầu thi hành án, chính quyền Trung Quốc mới tham gia vụ kiện, và thuê luật sư kỳ cựu Eugene Theroux của hãng luật Baker & McKenzie làm người đại diện. Phán quyết sơ thẩm cuối cùng bị bác bỏ 3 năm sau đó, bởi theo tòa, Đạo luật Miễn trừ chủ quyền nước ngoài (FSIA) năm 1976, dù cho phép tòa án Mỹ xét xử các vụ tranh chấp thương mại liên quan đến chính phủ nước ngoài, nhưng lại không có hiệu lực hồi tố (áp dụng cho những hành vi xảy ra trong quá khứ).
Một yếu tố bất lợi khác cho những nhóm trái chủ như ABF, đến từ quyết định gần đây của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Năm ngoái, cơ quan này truy tố mục sư Kirbyjon Caldwell, người từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Bush, cùng một đồng phạm nữa về tội danh lừa đảo. Hai người này bị cáo buộc thu lợi hơn 3,4 triệu USD từ việc bán các trái phiếu cổ Trung Quốc như một "tài sản đầu tư hiếm có" cho những người nghỉ hưu.
Mục sư Caldwell đã phủ nhận các cáo buộc, tuy nhiên hồi tháng 3 vừa rồi, tòa đã chính thức phán quyết kết tội với ông này. Trong cáo trạng của SEC: "Các bị cáo đã lừa dối những nhà đầu tư, nói rằng loại trái phiếu này là an toàn, không rủi ro, giá trị lên đến hàng triệu USD và có thể bán cho bên thứ 3. Trên thực tế, trái phiếu này chỉ mang tính chất lưu niệm và không có giá trị đầu tư".
Bản cáo trạng trên, có lẽ là minh chứng rõ nhất cho thấy, chính quyền Mỹ cũng không mấy tin rằng, "thứ vũ khí" từ trên trời rơi xuống này có giá trị nào ngoài một "đòn gió", bên cạnh các cuộc đàm phán thương mại cam go.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận