Trái chiều thị trường văn phòng cho thuê
Sau dịch bệnh, phân khúc văn phòng cho thuê đã có những sự thay đổi về xu hướng cũng như về giá cả. Tại các thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, văn phòng cho thuê đang có diễn biến khác nhau.
Ghi nhận từ đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn thị trường bất động sản Savills đối với phân khúc văn phòng cho thuê đang có diễn biến trái chiều nhau giữa Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, theo bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills TP.HCM, phân khúc văn phòng vẫn hoạt động tốt tại TP.HCM, với tỷ lệ trống chỉ 5%. Nguồn cung tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, riêng trong quý 2 vừa qua, thị trường có thêm 91.000m2 nguồn cung mới, tăng 15% theo năm.
Còn tại Hà Nội, ông Lê Tuấn Bình - Trưởng phòng cho thuê Thương mại Savills Hà Nội chia sẻ, tổng nguồn cung đạt khoảng 1,8 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 1% theo năm với hầu hết dự án nằm ở khu vực phía Tây.
Về giá thuê, trong khi tại TP.HCM, tình hình hoạt động vẫn tích cực trong nửa đầu năm với giá thuê tăng 4% theo năm và công suất trung bình cao ở mức 95%. Riêng trong quý 2, giá thuê tăng 1% theo quý và 4% theo năm thì tại Hà Nội, giá thuê gộp trung bình giảm 1% theo quý và 1% theo năm.
Điều trái ngược nữa là, tại TP.HCM, phân khúc hạng B tăng giá sau thời gian dài lấp đầy, hạng C giá thuê giảm chút. Trong khi đó tại Hà Nội, phân khúc hạng A duy trì ổn định trong khi hạng B và C ghi nhận sụt giảm, chủ yếu tại các dự án có nhiều diện tích trống.
Bà An đánh giá, thị trường văn phòng TP.HCM chưa chịu tác động ngay lập tức bởi Covid-19 nhưng đã bắt đầu bị ảnh hưởng trong quý 2. Cụ thể, ở việc khách thuê bị giảm doanh thu 6 tháng đầu năm, có doanh nghiệp buộc phải cắt giảm diện tích và di dời để tiết kiệm chi phí.
Các ngành ảnh hưởng nặng nhất là hàng không, vận tải, du lịch và tài chính giảm tỷ trọng sàn thuê từ 1-2 điểm phần trăm theo năm. Nhưng là cơ hội cho thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ bất động sản, tăng tỷ trọng từ 1-2 điểm phần trăm theo năm với triển vọng nguồn cầu tích cực.
“Thị trường văn phòng tại TP.HCM đến cuối 2022, có 24 dự án mới sẽ gia nhập thị trường với hơn 376.000m2. Nguồn cung tương lai tiếp tục khẳng định niềm tin của chủ đầu tư đối với thị trường. Hơn 70% các dự án tương lai đang trong giai đoạn hoàn thiện. Xu hướng phát triển tại khu vực ngoài trung tâm được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường trong thời gian tới”, bà An dự báo.
Theo Savills, Hà Nội sẽ vẫn là điểm đến đầu tư an toàn và ổn định khi được Chính phủ xác định là địa phương tiên phong trong hồi phục kinh tế sau dịch bệnh khi thu hút 2,76 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Nhận định về thị trường văn phòng Hà Nội, ông Bình cho rằng, đến năm 2022, khoảng 258.000 m2 nguồn cung mới chủ yếu thuộc hạng A sẽ gia nhập thị trường. Nguồn cung ngày càng mở rộng ra ngoài trung tâm và tập trung tại khu vực nội thành, còn khu vực trung tâm không ghi nhận dự án nào.
Đáng chú ý, theo ông Bình, nguồn cung này cùng tâm lý thận trọng có thể khiến công suất thuê trung bình giảm trong hai năm tới. Giá thuê trung bình được dự báo sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2020 nhưng hồi phục chậm vào năm 2021.
Ở góc độ nhận định khác, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, sau dịch bệnh, xu hướng của thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới.
“Khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như thuê các không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố. Thêm vào đó các khách thuê cũng bắt đầu quan tâm hơn về yếu tố sức khỏe của nhân viên thông qua việc lựa chọn các mặt bằng văn phòng ở những tòa nhà có chất lượng cao thay vì chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí như trước đây”, bà Dung cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận