Trái chiều kết quả kinh doanh doanh nghiệp cao su quý I
Nhiều doanh nghiệp cao su cho biết sản lượng tăng cao nhưng giá bán bình quân giảm. Tập đoàn Cao su, Cao su Phước Hòa báo lãi quý I tăng mạnh nhờ nhận bồi thường. Xuất khẩu cao su quý đầu năm ghi nhận tăng cả về khối lượng và giá trị.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su ghi nhận tăng cả khối lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, cả nước xuất khẩu 406.803 tấn cao su, tăng 0,08%; thu về gần 715,4 triệu USD, tăng 6%; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.758,6 USD/tấn, tăng 6%.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính chiếm 69% sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đạt 280.230 tấn, trị giá 483,2 triệu USD, giá trung bình 1.724,3 USD/tấn; giảm 3,4% về lượng nhưng tăng 4,4% về kim ngạch và tăng 8% về giá so với cùng kỳ năm 2021. Sau đó là thị trường Ấn Độ đạt 28.766 tấn, tương đương 52,55 triệu USD, giá trung bình 1.826,7 USD/tấn, tăng 40,7% về lượng, tăng 41,9% về kim ngạch và tăng 0,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo liên tục tăng trong quý đầu năm từ vùng 214 JPY/kg lên 248 JPY/kg, tức tăng 16%. Tuy nhiên, cùng kỳ năm trước (quý I/2021) giá cao su biến động mạnh hơn có thời điểm lên vùng 337 JPY/kg trước khi rơi về vùng 242 JPY/kg tính đến cuối quý. Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá cao su bình quân trong quý I có thể giảm nhẹ. Bước qua tháng 4, giá cao su vẫn tăng lên vùng 277 JPY/kg tính đến giữa tháng nhưng hiện đã giảm về vùng 248 JPY/kg. Nguyên nhận sụt giảm là do những lo ngại về sự sụt giảm doanh số bán xe kéo dài, nhu cầu lốp xe giảm và đợt đóng cửa mới của Trung Quốc trước ảnh hưởng dịch bệnh. Đồng thời, mùa đông kết thúc, các nhà sản xuất cao su hàng đầu ở Thái Lan trở lại năng suất bình thường.
Nguồn: TradingEconomics
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cao su báo lãi trái chiều. Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) cho biết sản lượng tiêu thụ quý đầu năm đạt 5.971 tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, tăng 33%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp đạt 84 tỷ đồng, tăng 64%. Biên lãi gộp cải thiện từ 29% lên 35,7%.
Cùng với đó, công ty thực hiện thanh lý cây cao su giúp lợi nhuận khác tăng mạnh từ 11,5 tỷ đồng lên 39,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 62,6 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
Với lý do giá bán thành phẩm tăng mạnh so với cùng kỳ 2021, Đầu tư cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI) ghi nhận doanh thu quý I tăng 7,6% lên 134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 21 tỷ đồng.
Mảng sản xuất và kinh doanh mủ cao su của Tập đoàn Cao su (HoSE: GVR) khá khởi sắc quý đầu năm khi doanh thu đạt 2.995 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng từ 660 tỷ đồng lên 1.142 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 24,3% lên 38,1%.
Tuy nhiên, mảng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su giảm mạnh khiến tổng doanh thu thuần đi ngang ở mức 4.893 tỷ đồng. Song, nhờ nhận bồi thường gần 300 tỷ đồng, tập đoàn báo lãi quý I đạt 1.055 tỷ đồng, tăng 29%.
Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) công bố sản lượng tiêu thụ quý I đạt 2.164 tấn, tăng 29,3% so với quý I/2021. Song, giá bán bình quân giảm từ 46,5 triệu đồng/tấn xuống 42,2 triệu đồng/tấn, tức giảm 9,2%. Mặt khác, doanh thu hoạt động cho thuê bất động sản ở công ty con (Công ty cổ phần Khu công nghiệp Bắc Đồng Nai) cũng giảm.
Do vậy, doanh thu hợp nhất quý I tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước đạt 204 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 33,17% xuống 27,3%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính đạt 46,5 tỷ đồng, giảm 14,4%. Song hoạt động khác tăng lãi từ 5,9 tỷ đồng lên 8 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ còn giảm 4% xuống 37,8 tỷ đồng.
Cao su Đồng Phú lý giải lợi nhuận khác tăng nhờ doanh thu hợp tác kinh doanh đầu tư trồng chuối cấy mô và doanh thu nhượng quyền khai thác mủ cao su tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, sản lượng tiêu thụ của Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) quý I đạt 1.596 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Song, giá bán bình quân giảm 2,5% về mức 41,89 triệu đồng/tấn. Theo đó, doanh thu tăng 32% đạt 70 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 37% xuống 11 tỷ đồng do chi phí tăng cao và hụt thu từ hoạt động tài chính cùng hoạt động khác.
Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) báo cáo doanh thu quý I tăng 31% nhưng giá vốn tăng cao hơn 41% khiến lợi nhuận gộp giảm từ 62 tỷ đồng về 57 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% về 15,6%.
Khoản thu nhập khác đột biến từ 2,3 tỷ đồng lên 283 tỷ đồng, chủ yếu từ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi bào giao đất thực hiện dự án khu công nghiệp VSIP3. Nhờ đó, lợi nhuận ròng của Cao su Phước Hòa đạt 295 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận