menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Kiều Trang

Trái cây Việt gắn mác Thái Lan bán tại thị trường trong nước?

Trước thông tin trái cây Thái Lan như: sầu riêng, măng cụt đổ xô vào thị trường Việt Nam thời gian gần đây, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, đây là thông tin chưa chính xác. Do thương hiệu Thái Lan sạch, đẹp, ngon t

Theo khảo sát của báo Công Thương tại các thị trường truyền thống Hà Nội như Phương Mai, Kim Liên, Thành Công,… nhiều loại trái cây được quảng cáo là nhập khẩu từ Thái Lan như: măng cụt, sầu riêng... được bán nhộn nhịp trên thị trường. Giá măng cụt loại nhỏ được chào bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, còn loại to được bán với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg. Xoài, chôm chôm, nhãn Thái Lan có giá dao động 30.000 - 60.000 đồng/kg tùy điểm bán và chất lượng. Chị Nguyễn Thanh Hoa, tiểu thương bán trái cây ở chợ Kim Liên cho biết, lượng hàng trái cây những ngày này bán rất chạy.

Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội, trái cây xuất xứ từ Thái Lan cũng được rao bán nhộn nhịp. Trên web bán hàng trái cây online hoa quả ưu đàm, giá măng cụt trào bán 99.000 đồng/3 kg, chôm chôm 99.000 đồng/3kg; xoài Thái bán với giá 99.000 đồng/3kg. trong khi đó, trên trang web thế giới nông sản, giá chôm chôm Thái Lan được chào 65.000 đồng/kg giảm chỉ còn 100.000 đồng/3kg và được quảng cáo là hàng mới về, giá măng cụt Thái Lan (măng tiêu) 65.000 đồng/kg giảm còn 39.000 đồng/kg, combo 3kg chỉ 110.000 đồng và combo 5kg 175.000 đồng; bòn bon Thái Lan mới về, giá dùng thử 70.000 đồng/kg giảm còn 45.000 đồng/kg, combo 3kg 120.000 đồng.

Có hay không việc trái cây Thái Lan tràn ngập thị trường và cạnh tranh trực tiếp với trái cây Việt trong những ngày gần đây. Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, từ trước đến giờ trái cây Thái Lan sang Việt Nam nhiều.

Tuy nhiên, theo số liệu mà chúng tôi nắm được thì trong quý I/2020 trái cây Thái Lan sang Việt Nam ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái, ở chiều ngược lại, trái cây Việt sang Thái nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. “Nếu như quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Thái Lan đạt 12 triệu USD, thì quý I/2020 con số này tăng lên 50 triệu USD. Sản phẩm xuất khẩu sang Thái Lan chủ yếu là thanh long, và các sản phẩm rau quả chế biến. Ở chiều ngược lại, quý I/2020 Việt Nam chỉ nhập khẩu trái cây về với kim ngạch 15 triệu USD, trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái là 168 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Nguyên nhân do, thời gian gần đây, rất nhiều tập đoàn Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đây là thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói riêng và các mặt hàng trái cây, rau củ vào thị trường này. Điển hình như hằng năm, Tập đoàn Central Group với chuỗi siêu thị Big C đều phối hợp với Bộ Công Thương để tổ chức các chương trình xúc tiến hàng Việt Nam vào Thái Lan. Tập đoàn Central Group là một ví dụ, và họ nhập khẩu rau quả từ Việt Nam sang siêu thị Thái Lan để bán. Trong khi đó, trước đây, Việt Nam xuất khẩu trái cây chỉ chủ yếu qua đường thương lái. Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam hiện cũng đã được cải thiện về chất lượng. Diện tích trái cây trồng theo phương thức VietGAP hiện tăng lên 30- 40% so với con số 15% trước đây. Việc này góp phần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến cũng góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường này.

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, thị trường Thái Lan nói riêng và thị trường châu Á nói chung rất thích trái thanh long Việt Nam vì nó đáp ứng yếu tố tâm linh, do đó, việc tiêu thụ sản phẩm này rất tốt.

Liên quan đến thông tin về việc trái cây Thái Lan hiện đang bán tràn lan tại thị trường Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, do thương hiệu Thái Lan sạch, đẹp, ngon, trong khi đó, nhiều mặt hàng trái cây giữa Việt Nam và Thái Lan có sự trùng lặp, ví dụ như măng cụt, sầu riêng…. do đó, nhiều thương lái họ muốn bán được hàng cao và thu hút được nhiều người tiêu dùng nên có thể họ mượn mác Thái Lan gắn vào trái cây Việt.

Thừa nhận việc xuất nhập khẩu trái cây giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn sự bất bình đẳng, ông Đặng Nguyên Phúc cho rằng, Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN về nông sản và rau quả, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan và ngược lại là không có thuế, bên cạnh đó cũng không có giới hạn mặt hàng nào. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam chỉ mới được chính thức cấp phép cho 4 loại trái cây là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn và vải nhập khẩu vào Thái Lan.

Ở chiều ngược lại, Thái Lan lại xây dựng các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ các mặt hàng trái cây chiến lược của họ như: sầu riêng, xoài.... Các mặt hàng trái cây, rau củ muốn nhập khẩu vào Thái Lan việc đầu tiên là phải tuân thủ các quy định trong bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp Thái Lan, trong đó, có 2 loại giấy phép quan trọng nhất là đảm bảo về vệ sinh dịch tễ và giấy chứng nhận quy trình sản xuất an toàn dịch tễ. Do đó, nước nào muốn xuất khẩu vào Thái Lan phải giám sát kỹ về mặt sâu bệnh và phải có bảng phân tích rủi ro sâu bệnh.

Trong khi đó, hàng trái cây Thái Lan sang Việt Nam thì "thượng vàng hạ cám" cái gì cũng có, không cấm bất kỳ sản phẩm nào, từ trái me đến trái roi. Việc thiếu hàng rào kỹ thuật khiến trái cây Việt Nam bị cạnh tranh với trái cây Thái Lan ngay tại thị trường nội địa. “Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ trái cây trong nước”, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Số liệu quý I/2020, xuất khẩu trái cây của Việt Nam giảm 10,9%. Năm nay, do tác động từ dịch Covid-19 xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, thấp hơn so với năm ngoái.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại