menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Yến

Trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội về những vi phạm được nêu trong Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng

Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ ra những vi phạm của Sở Xây dựng Hà Nội, trao đổi với Dân Việt, luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vấn đề này.

Nhiều sai phạm tại Sở Xây dựng Hà Nội

Như Dân Việt đã thông tin, ngày 17/5/2022, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký ban hành Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; Sở Xây dựng Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Với kết luận này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Trong đó, trách nhiệm lớn thuộc về UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội.

Có thể tóm tắt lại những kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về những sai phạm của Sở Xây dựng Hà Nội trên tuyến đường Lê Văn Lương như sau: Sở Xây dựng Hà Nội có 12 giấy phép xây dựng không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở, có 3 giấy phép xây dựng cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, có 9 giấy phép xây dựng cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, có 2 giấy phép xây dựng ghi số tầng không đúng… Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ những sai phạm này trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng Hà Nội và đề nghị Sở theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cụ thể, tại 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế được duyệt. Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng có một số nội dung sai quy định.

Đáng chú ý, trong kết luận 39 cho biết, từ năm 2007 - 2015, có nhiều dự án, công trình được điều chỉnh từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, nâng tầng, tăng mật độ, điều chỉnh giấy phép xây dựng không đúng quy hoạch, chất tải lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sai quy định pháp luật. Đây là thời kỳ các ông Đỗ Xuân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Văn Dục làm Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

Đơn cử như về giấy phép xây dựng công trình tòa nhà Golden Palm, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều điểm bất thường.

Cụ thể, ngày 15/4/2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng công trình nhưng không có các nội dung: hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng, màu sắc công trình. Đây là trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội, đề nghị làm rõ theo thẩm quyền để kiểm điểm, xử lý cá nhân, tổ chức.

Tiếp đó, đối với dự án Dự án Handiresco Complex, kết luận thanh tra cũng chỉ ra, năm 2014 Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng có phần hầm vượt chỉ giới xây dựng (theo quyết định của UBND TP cho phép xây dựng tầng hầm nhà chung cư diện tích 3.188m2 nhưng giấy phép xây dựng cấp 3.245m2).

Bên cạnh đó, dự án Manhattan Tower, thiết kế cơ sở được Sở Xây dựng Hà Nội tham gia ý kiến ngày 4/1/2012 có diện tích xây dựng 2.051,33 m2, tổng diện tích sàn 57.558,08 m2, mật độ xây dựng 52%, tầng cao công trình 30 tầng không phù hợp với bản vẽ tổng thể mặt bằng đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận trước đó. Giấy phép xây dựng không có nội dung chỉ giới xây dựng; Giấy phép xây dựng cấp 3 tầng hầm không phù hợp bản vẽ tổng thể mặt bằng, Phương án kiến trúc được chấp thuận (không có tầng hầm).

Trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội về những vi phạm được nêu trong Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng
Sở Xây dựng Hà Nội viết sai tên Báo Nông thôn Ngày nay trong văn bản hồi âm, nêu sai tôn chỉ mục đích của Báo. Ảnh: T.N

Sở Xây dựng Hà Nội phải thực hiện Kết luận thanh tra và báo cáo sau 60 ngày.

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Công ty TNHH Luật H&M, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: Luật Thanh tra quy định rất rõ về việc xử lý và chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra. Theo đó Điều 40 quy định xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra như sau:

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra:

a) Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;

b) Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Áp dụng, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật;

d) Xử lý vấn đề khác thuộc thẩm quyền trong kết luận thanh tra.

2. Người có trách nhiệm xử lý kết luận thanh tra mà không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Điều 41 Luật Thanh tra cũng quy định về xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

1. Trong quá trình thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra mà không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác, kịp thời theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra hoặc tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo Khoản 1 Điều 40, Khoản 2 Điều 41 Luật Thanh tra ghi rõ thời hạn và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra sau khi nhận được kết luận thanh tra là trong vòng 15 ngày, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội phải tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra.

"Căn cứ vào kết luận thanh tra, Sở Xây dựng Hà Nội kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra các vi phạm, tồn tại được chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 39 và báo cáo kết quả thực hiện gửi về Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra", luật sư Hương nói.

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học Viện Tài chính thì cho rằng: Trong công tác quản lý kinh tế xã hội, còn một số điểm chưa được đầy đủ, rõ ràng công khai minh bạch.

"Nói tới Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt sai phạm của Sở Xây dựng Hà Nội thì tôi cho rằng đó mới chỉ là ở một phần nhỏ, vì chủ yếu tập trung ở đường Lê Văn Lương là chính. Còn hàng loạt các khu vực khác của Hà Nội và không chỉ riêng Sở Xây dựng có hàng loạt sai phạm mà cả các cơ quan quản lý khác của Hà Nội thậm chí nhiều địa phương khác cũng có sai phạm về xây dựng", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, lỗi ở đây chủ yếu là gốc độ chủ quan của cơ quan quản lý, chưa thực hiện sâu sát trong nhiệm vụ quản lý của mình. Chuyện "nhờn luật", xây dựng không phép, hoặc có phép nhưng xây dựng sai phép, điều chỉnh các dự án tăng lên nhiều tầng so với giấy phép… hầu như xảy ra ở rất nhiều các dự án của Hà Nội chứ không chỉ riêng đường Lê Văn Lương, nhưng đã không được cơ quan chức năng, ở đây là trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội xử lý dứt điểm.

"Tất cả những vấn đề không đúng pháp luật hay đầu tư xây dựng không đúng phép là chắc chắn sẽ có lợi ích cá nhân của một ai hay lợi ích nhóm nào đó. Không đương nhiên mà đơn vị quản lý là Sở Xây dựng Hà Nội hay các đơn vị chức năng nói chung của Hà Nội lại điều chỉnh cho những đơn vị, doanh nghiệp làm sai các quy định của pháp luật.

Hoặc các công trình xây dựng đã làm sai nhưng lại không bị xử lý, không nghiệm minh, không dứt điểm từ chính Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị quản lý lĩnh vực này dẫn tới cái sai tiếp tục làm tới cũng cần xem xét trách nhiệm quả lý có bị buông lỏng hay không",ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại