Trách nhiệm các bên liên quan trong thương vụ huy động 986 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Diên Vĩ
Dẫn lối đưa ngàn tỷ đồng trái phiếu kém chất lượng của Công ty Diên Vĩ ra thị trường, dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm các bên liên quan...
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Diên Vĩ (viết tắt là Công ty Diên Vĩ).
UBCKNN xác định, Công ty Diên Vĩ đã có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, bao gồm không công bố thông tin đối với tài liệu báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022.
Thương vụ vay vốn lớn, với những chi tiết đáng lưu tâm của Công ty Diên Vĩ diễn ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu phát triển tới cực thịnh, trước khi đổ sụp bởi những sai phạm ở Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh bị cơ quan chức năng vạch trần. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021, báo cáo tài chính năm 2021, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021, báo cáo tài chính 6 tháng 2023.
Từ những vi phạm trên, UBCKNN quyết định xử phạt Công ty Diên Vĩ số tiền 92,5 triệu đồng.
Tăng vốn thần tốc
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Diên Vĩ được thành lập ngày 19/8/2020, địa chỉ trụ sở chính đặt tại phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Vốn sáng lập là 20 tỷ đồng, trong đó ông Lê Thanh Liêm (SN 1959) sở hữu 99,99% cổ phần, còn lại là bà Đặng Ái Nhân (SN 1991) với 0,01%. Ông Lê Thanh Liêm là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Đáng chú ý, ngày 8/8/2021, Công ty Diên Vĩ đột ngột tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 1.480 tỷ đồng, với 1.479,9 tỷ đồng thuộc về ông Lê Thanh Liêm (99,993%), trong khi vỏn vẹn 100 triệu đồng được góp bởi bà Nguyễn Thị Phi Yến (SN 1992). Doanh nghiệp tăng vốn "sốc" là để phục vụ cho hoạt động phát hành trái phiếu chính thức được triển khai sau đó khoảng 2 tháng.
Cụ thể, ngày 1/10/2021, Công ty Diên Vĩ chào bán cùng lúc 3 lô trái phiếu có mã DVRCH2124001, DVRCH2125002 và DVRCH2126003 với kỳ hạn lần lượt là 3, 4 và 5 năm. Tổng khối lượng trái phiếu được phân phối ra thị trường với sự hỗ trợ từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS là 9.860 đơn vị, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát 986 tỷ đồng.
Lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, sau đó điều chỉnh bằng lãi suất tham chiếu của ngân hàng cộng biên độ 4%/năm nhưng không thấp hơn 11%/năm.
Về mục đích huy động vốn, Công ty Diên Vĩ cho biết số tiền 986 tỷ đồng sẽ được dùng để nhận chuyển nhượng 70% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Khang An - Nhơn Trạch theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 15/7/2021 được ký kết giữa Công ty Diên Vĩ và ông Nguyễn Hoàng Minh (Chủ tịch Công ty Đầu tư Địa ốc Khang An).
Đặc biệt, số cổ phần đề cập ở trên tại Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Khang An - Nhơn Trạch cũng chính là tài sản bảo đảm mà Công ty Diên Vĩ đưa ra cho 3 lô trái phiếu 986 tỷ đồng. Cùng với đó, là các quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các thửa đất tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Thương vụ vay vốn lớn, với những chi tiết đáng lưu tâm này diễn ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu phát triển tới cực thịnh, trước khi đổ sụp bởi những sai phạm ở Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh bị cơ quan chức năng vạch trần.
Trách nhiệm các bên liên quan
Kể từ khi thành lập, Công ty Diên Vĩ gần như bất động, không có hoạt động kinh doanh đáng chú ý. Sang đến năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ ròng 123,5 tỷ đồng; năm 2023, doanh nghiệp báo lỗ tiếp 143,1 tỷ đồng.
Liên tục thua lỗ đã ăn mòn vốn chủ sở hữu của Công ty Diên Vĩ. Ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ còn 1.170 tỷ đồng, giảm hơn 310 tỷ đồng so với số vốn cổ đông đã góp. Kéo theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,199 lần, tương ứng 1.574 tỷ đồng năm trước lên 1,499 lần, tương ứng 1.753 tỷ đồng.
Hệ số nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,7 năm trước lên 0,8, tương ứng tổng dư nợ trái phiếu khoảng 936 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp chỉ mới xử lý được 50 tỷ đồng nợ trái phiếu cho nhà đầu tư.
Nên biết, theo báo cáo tình hình thanh toán lãi gốc trái phiếu năm 2023, Công ty Diên Vĩ vẫn chưa thể thanh toán lãi, gốc cho 3 lô trái phiếu trên với lý do chưa thu xếp được nguồn thanh toán. Tuy nhiên, không giống như phần đông doanh nghiệp khác phát hành trái phiếu ra công chúng, trái chủ của Công ty Diên Vĩ chỉ là 1 tổ chức nên sự việc chậm trả lãi, gốc trái phiếu dường như được giữ kín, không ồn ào trên truyền thông đại chúng.
Với bộ hồ sơ không mấy hấp dẫn, VPS với vai trò là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký và lưu ý trái phiếu, ít nhiều cũng phải có trách nhiệm khi Công ty Diên Vĩ tạm mất khả năng thanh toán trái phiếu. Dẫn lối đưa gần ngàn tỷ đồng trái phiếu kém chất lượng ra thị trường, dư luận có quyền đặt câu hỏi về cách hành xử của VPS trong trường hợp không mong muốn xảy đến.
Tuy nhiên, lý do VPS quyết định đồng hành với một công ty vốn còi cọc, sứ mệnh duy nhất là huy động trái phiếu đã được bật mí, thông qua danh tính của ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Diên Vĩ.
Theo tìm hiểu, ông Lê Thanh Liêm chính là một trong những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của nhiều doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Đầu tư NoVa SQN, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Song Giang, Công ty Cổ phần W Sand, Công ty TNHH Bất động sản QH... Ông Liêm cũng trực tiếp tham gia vào những thương vụ đất đai đắt giá như dự án Hồ Con Rùa (TP. Hồ Chí Minh)...
Hoa Đôn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận