Trắc trở các dự án giao thông
Có dự án cấp bách nằm trên giấy hàng thập niên, có công trình mỏi mòn chờ đến khi được khởi công lại “treo cẩu” chờ tiếp... Hàng loạt vướng mắc về chính sách, cơ chế đang “trói chân” hạ tầng giao thông tại TP.HCM.
Dự án “treo cẩu” giữa lòng sông
Hai ngày nay, thông tin Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2) “kêu cứu” vì lo sợ dự án đã “trùm mền” quá lâu, nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân TP. Hơn 1 năm qua, để phục vụ thi công cầu Thủ Thiêm 2, khu vực nội đô TP hằng ngày phải chịu đựng tình trạng ùn tắc nghiêm trọng do rào chắn phía đường Tôn Đức Thắng, gây kẹt toàn bộ các tuyến đường lân cận.
Công trình mang tính biểu tượng của TP, đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, nay nằm “treo cẩu” giữa lòng sông, rào chắn tiếp tục án ngữ chưa hẹn ngày tháo dỡ đã gây nhiều bức xúc cho người dân. Vậy mà phía liên danh nhà thầu hiện còn “dọa” sẽ giải thể công trường, trả lại cây cầu ở trạng thái hiện tại nếu đến 15.4, công trình không được thi công trở lại, khiến mọi người không khỏi hoang mang.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, kết cấu nhịp, trụ, dây văng hệ dầm cầu... của dự án đã phải nằm phơi sương, phơi nắng ở trạng thái chưa hoàn thành trong khoảng thời gian dài chưa xác định, đều đang có nguy cơ thay đổi kết cấu, xuống cấp, không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục thi công. Cùng với đó, cầu bắc qua tuyến đường sông có mật độ giao thông thủy lớn, đến nay công tác đảm bảo giao thông thủy vẫn được duy trì nhưng dự án vẫn có thể xảy ra nguy cơ về các sự cố giao thông hàng hải, tạo ra những thiệt hại đáng kể và khó lường. Do đó, phía Đại Quang Minh đề nghị UBND TP nhanh chóng có giải pháp về công tác pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công theo yêu cầu của nhà thầu cho các hạng mục tháp cầu, lắp đặt các đốt dầm đến trụ S1 và căng các bó cáp dây văng còn lại.
Cùng trong ngày cầu Thủ Thiêm gửi văn bản “kêu cứu” UBND TP, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng chính thức được Chính phủ ra Nghị quyết “giải cứu” sau nhiều năm chật vật. Để đi tới ngày được “cởi trói” hôm nay, phía Công ty Trung Nam (chủ đầu tư) cũng đã phải trải qua quãng thời gian khốn khổ, trầy vi tróc vẩy.
Hai lần buộc phải dừng thi công, khối lượng công việc dở dang chưa được thanh toán, khối lượng đang làm cũng như những thiệt hại tính toán được do tạm ngừng ước tính khoảng 600 - 700 tỉ đồng. Chưa tính về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị của nhà đầu tư... đã có lúc Trung Nam phải lên tiếng xin trả lại dự án vì không thể tiếp tục gồng gánh khi có giai đoạn, mỗi ngày công ty phải “đốt” 200 triệu đồng để duy trì dự án.
Cầu Thủ Thiêm 2 và dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng không phải là những trường hợp cá biệt. Liên tục nằm trong danh sách những dự án cấp bách vắt từ đời lãnh đạo này sang đời lãnh đạo kia, thế nhưng, sau 14 năm, đường Vành đai 2 đến nay vẫn còn 14 km chưa khép kín.
Trong đó, riêng đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa được triển khai thi công từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng đang tạm ngưng, để lại hiện trạng công trường khu vực P.Tam Phú (Q.Thủ Đức) như mảnh đất bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, sắt thép gỉ sét, các cây cầu thì trơ khung. Tương tự, cầu Long Kiểng mới (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè), cầu Nam Lý nối Q.Thủ Đức, Q.9 và Q.2 (cũ) cũng là điển hình cho những công trình đã khởi công nhiều năm vẫn nằm “đắp chiếu” chờ về đích.
Nằm dài chờ “thoát giấy”
Trong khi các dự án trọng điểm dang dở đang khốn khổ chờ cởi trói, danh sách các dự án cấp bách lùi tiến độ khởi công trên địa bàn TP cũng ngày càng dài.
Theo đánh giá của Sở GTVT TP, 2 dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (Q.Tân Bình) là các dự án trọng điểm của TP nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Phía chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông từ cuối năm 2019 đã thông tin có thể khởi công cụm dự án “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất ngay trong quý 1/2020 nhưng đến nay, các dự án này vẫn tiếp tục xuất hiện trong danh mục nhiệm vụ của Ban năm 2021.
Ngay cả 15 dự án trọng điểm mà Sở GTVT vừa kiến nghị UBND TP sớm tham mưu giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư trong năm nay, đa phần cũng là những dự án đã mòn mỏi chờ ngày được “nổ máy” thi công trong suốt nhiều năm qua. Có thể kể đến như dự án đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành; Đoạn 4 - Vành đai 2: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 13; Dự án xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm); Cầu Thủ Thiêm 4; Cầu Cần Giờ; Xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và tuyến số 5; Xây dựng Cụm cảng trung chuyển - ICD, Bến xe Miền Tây mới; Cầu Bình Quới - Rạch Chiếc...
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều công trình hạ tầng cũng được xếp vào danh mục dự án trọng điểm, cấp bách được triển khai theo hình thức đối tác công - tư như xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (QL1), dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý, dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 - giai đoạn 2)... vẫn đang chờ thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, có tới hơn 80% dự án giao thông tại TP trễ tiến độ do vướng mặt bằng. Số “mắc kẹt” trong thủ tục vốn cũng không nhỏ. Nhìn chung, dự án chậm triển khai là tình trạng gần như xảy ra với tất cả các dự án trên địa bàn TP.HCM. Nhanh thì chậm 1 - 2 năm, nhiều dự án thậm chí phải chờ đến gần 2 thập niên vẫn chỉ nằm trên giấy.
Luẩn quẩn trong vòng cơ chế
Điểm lại quá trình triển khai xây dựng hạ tầng, giao thông tại TP.HCM mới thấy, dự áo nào cũng trắc trở, cả với những dự án lãnh đạo TP liên tục sát sao chỉ đạo gỡ vướng.
Đơn cử, dự án cầu Thủ Thiêm 2, những khó khăn đã được chủ đầu tư trình bày, xin xét duyệt ngay từ năm 2016 nhưng chưa giải quyết được, khiến dự án phải nhiều lần gia hạn. Trong cuộc họp hồi tháng 7.2020, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo trước ngày 10.9.2020 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. 9 ngày tiếp sau lịch hẹn, sau khi lãnh đạo TP cùng Tổng công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) làm việc và thống nhất hướng giải quyết liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan tiếp tục đặt mốc gỡ vướng mặt bằng cho cầu Thủ Thiêm 2 trước ngày 15.10.2020, đồng thời khẳng định không để dự án chậm trễ hơn nữa... Thế nhưng, đến nay đã thêm nửa năm trôi qua, người dân, công trình dang dở vẫn ngày ngày vật lộn trong ùn tắc.
Cùng cảnh ngộ, với dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, những cuộc thị sát của lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo HĐND diễn ra với tần suất rất dày, rất nhiều cam kết từ cả phía TP và chủ đầu tư đã được đưa ra nhưng cuối cùng, vẫn phải tìm tới Thủ tướng để xin tháo gỡ.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của TP đều trì trệ, nguyên nhân chính là do vướng cơ chế. Trong bối cảnh ngân sách cả T.Ư và TP đầu tư cho hạ tầng giao thông quá hạn chế, lãnh đạo TP.HCM luôn khẳng định chủ trương kêu gọi xã hội hóa nhưng không đưa ra được bất cứ chính sách cụ thể nào để thu hút tư nhân tham gia các dự án hạ tầng. Đến khi triển khai, cách thức còn hạn chế, gây nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp ngày càng “sợ”. Không thể phủ nhận lãnh đạo TP sát sao, “sốt ruột” nhưng còn quá bị động, chưa quyết liệt, còn có tình trạng trên nóng, dưới lạnh khiến dự án chạy lòng vòng rồi “tắc”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận