menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

TPHCM nhức nhối chuyện xây dựng không phép tràn lan, "diệt" chỗ này xây ồ ạt chỗ khác

Sáng 30/7, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không phép là 2.573 trường hợp, chiếm 37,6% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TPHCM.

Trong khi đó, báo cáo của UBND TPHCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp 21.938 giấy phép xây dựng, với tổng diện tích sàn xây dựng 7.095.256,08m2, tăng 6% so với cùng kì năm trước. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, thành phố đã ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.136 trường hợp trong tổng số 1.640 trường hợp vi phạm (tăng 37,6% so với cùng kỳ).

Trong đó, xây dựng sai phép có 619 trường hợp; xây dựng không phép 616, vi phạm khác 405 trường hợp… Tình hình xây dựng không phép và sai phép còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như: Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn...

Chỉ tính riêng một quận Thủ Đức, cho thấy tổng số công trình xây dựng không phép ở quận này trong năm 2018 là 60 trường hợp, giảm 25% so với năm 2017 (có 80 trường hợp). Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2019, số công trình xây dựng không phép lên đến 80 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2018 (có 10 trường hợp), công trình xây dựng không phép tăng 700% (tăng 70 trường hợp).

Số công trình xây dựng không phép chủ yếu trên đất nông nghiệp, trên đất quy hoạch chưa triển khai hoặc trên đất công. Địa bàn tập trung ở phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Đông, Tam Phú, Bình Chiểu, Trường Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước. Trong đó, các phường có quy hoạch chưa triển khai nhiều là: Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Bình Chiểu và Linh Trung.

Theo báo cáo tham luận của UBND quận 1, năm 2017, quận đã thanh tra công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng tại các phường Bến Thành, Bến Nghé, Cầu Kho, Nguyễn Thái Bình, Cầu Ông Lãnh, Tân Định. Qua thanh tra đã xử lý kỷ luật khiển trách phó chủ tịch UBND phường Bến Thành, phê bình 2 chủ tịch UBND phường, 4 phó chủ tịch UBND phường và 9 công chức phụ trách địa chính - xây dựng.

Một trong số các nguyên nhân được sở nêu ra là do lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền rất lớn, đã xuất hiện một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh, hoặc phân chia một căn nhà thành nhiều căn nhỏ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng một số trường hợp xảy ra trên địa bàn thành phố như chủ đầu tư đăng ký nhà 2 tầng nhưng khi thực hiện lại tách trái phép thành 25 căn. Có chủ đầu tư đăng ký 3 căn, khi thực hiện lại nâng lên thành 19 căn. Thậm chí có chủ đầu tư nâng 1 căn nhà thành tòa chung cư hàng trăm người ở.

Nguyên nhân được chỉ ra là có một số cán bộ, công chức được phân công quản lý trật tự xây dựng tại địa phương chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, chậm phát hiện, đề xuất xử lý không kiên quyết, không triệt để dẫn đến các công trình vi phạm trật tự xây dựng không và chưa được phát hiện xử lý kịp thời. Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

"Cần làm rõ những đối tượng hưởng lợi trong việc xây dựng không phép, trái phép là ai", Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng hiện nay, nhu cầu nhà ở là nhu cầu chính đáng, đặc biệt là đối với người nhập cư, người có thu nhập thấp. Cho nên, Thành phố cần tập trung giải quyết đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân nhập cư, người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, hiện nay mức độ trầm trọng của vấn đề xây dựng không phép, sai phép nằm ở góc độ khác, đó là đối tượng "đầu nậu" mua đất nông nghiệp của người dân với giá cao rồi sau đó phân lô, bán nền, xây dựng không phép, sai phép để bán cho người thu nhập thấp. Do việc phân lô bán nền này không bảo đảm đầy đủ hạ tầng nên gần như phá vỡ quy hoạch, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Thực tế, tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn đã xảy ra tình trạng này khá nhiều và hiện vẫn chưa thể xử lý xong.

Trước thực trạng này, Thành ủy đã chỉ đạo chính quyền Thành phố và các quận, huyện kiểm tra, đánh giá lại thực trạng và đề xuất giải pháp giải quyết tồn tại. Theo đó, Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy về việc để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép, sai phép.

Trước mắt, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng và các nơi để xảy ra xây dựng trái phép nhiều như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9... phải siết chặt công tác cấp phép và xử lý quyết liệt đối với các công trình sai phép, không phép. Từ nay đến cuối năm, TPHCM sẽ tiến hành tổng rà soát hoạt động xây dựng nhà ở tại các địa phương để chấn chỉnh kịp thời.

Song song đó, Sở QHKT sẽ thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá toàn bộ quy hoạch 1/500 của các dự án trên địa bàn thành phố, làm cơ sở điều chỉnh, hủy bỏ hoặc đề xuất hướng xử lý phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu quy hoạch.

Ngoài ra, Sở QHKT phối hợp rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của 600 dự án chậm triển khai mà UBND TP đã thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư. Từ đó, Sở QH-KT công bố công khai người dân biết, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch của các dự án này.

Đặc biệt, Sở QHKT kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách về nhà đất đối trong khu vực quy hoạch, theo hướng tạo sự công bằng, giảm độ vênh giữa người dân sống trong và ngoài các khu vực quy hoạch. Việc này đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Tại hội nghị, Bí thư Nhân cho rằng khi để người dân thấy mua nhà, xây dựng trái phép không đem lại lợi ích thì các cò đất, đầu nậu sẽ không còn hoạt động. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức phụ trách quản lý đất đai, xây dựng phải bị xử lý về chính quyền và về Đảng khi phát hiện sai phạm trong công tác.

Ngoài biện pháp xử lý vi phạm, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thành phố rà soát lại quy hoạch của phường, xã, quận, huyện. Về lâu dài, chính quyền phải có hướng dẫn, cơ chế phù hợp để có nhiều nhà hợp pháp, có nhiều loại cho người dân có thu nhập thấp. Từ đó, yêu cầu chính quyền từ nay đến cuối năm phải làm rõ chỗ nào là đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyển đổi mục đích sử dụng... "Nếu tình trạng xây dựng trái phép còn tiếp diễn, người đứng đầu địa phương và các sở, ngành phải chịu trách nhiệm", Bí thư Nhân chỉ đạo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại