TPHCM muốn bán thịt heo như… chứng khoán
Với sàn giao dịch thịt heo, cơ sở chăn nuôi và chợ đầu mối sẽ giao dịch trực tiếp. Người chăn nuôi và chợ đầu mối có quyền quyết định chính, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistic là bắt và vận chuyển heo.
Ngày 14/11, tại buổi trao đổi, lấy ý kiến vận hành mô hình dự kiến sàn giao dịch heo trên địa bàn TPHCM do Sở Công thương tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở Công thương TP cho biết, mặc dù dịch tả heo châu Phi khiến cho thịt heo tăng giá, nhưng nhu cầu sử dụng thịt heo của người dân Sài Gòn vẫn rất lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn có thói quen dùng thịt nóng là chủ yếu.
Thịt heo hiện nay đa số vẫn giết mổ thủ công, không bảo đảm dịch tễ cũng như an toàn thực phẩm. Phương thức mua bán truyền thống thông qua thương lái là chủ yếu sơ khai, đơn giản. TPHCM chỉ áp dụng máy móc vào khâu vận chuyển bằng xe tải từ điểm giết mổ đến chợ đầu mối, còn lại đa phần đều làm theo kiểu truyền thống. Kho lạnh còn rất sơ khai, thương lái vẫn còn tự động thu mua – ông Hòa nêu những hạn chế.
Giá thịt heo vẫn phụ thuộc vào thương lái là chủ yếu
Bên cạnh đó, người chăn nuôi và tiêu dùng vẫn ở vị trí bị đồng. Người chăn nuôi có hàng nhưng không quyết định được giá. Người tiêu dùng cũng không biết giá cụ thể là bao nhiêu để lựa chọn. Thông tin thị trường cũng không công khai, minh bạch, cơ quan nhà nước chưa quản lý được hết thương lái, người chăn nuôi...
“Nếu có sàn giao dịch thịt heo, cơ sở chăn nuôi và chợ đầu mối sẽ giao dịch trực tiếp. Người chăn nuôi và chợ đầu mối có quyền quyết định chính, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistics (bắt và vận chuyển heo). Họ có thể giao dịch trước cả tuần hoặc cả tháng, có luật chơi và quy chế riêng.
Đại diện chợ đầu mối cho biết, vẫn có tình trạng trà trộn heo bịnh để bán ra thị trường
Định hướng sàn giao dịch heo phải kết nối được chủ thể quan trọng trong chuỗi cung ứng, nhất là chủ thể chăn nuôi và chủ thể giết mổ và thương nhân chợ đầu mối, tiến tới chấm dứt lò giết mổ thủ công, tập trung giết mổ công nghiệp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa sản phẩm thịt heo chất lượng đến người tiêu dùng với giá hợp lý” – ông Hòa cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, trước đây, Việt Nam đã từng thử nghiệm 2 sàn giao dịch là cà phê ở Đắk Lắk và tôm ở Cần Giờ nhưng không hiệu quả do không biết chủ thể là ai.Còn hiện tại đã có đủ điều kiện để xây dựng và vận hành sàn giao dịch heo hơi, bao gồm dung lượng thị trường lớn: thị trường TPHCM giao dịch bình quân 10.000 con heo/ngày, tổng giá trị lên đến 500 triệu USD/năm; đã tập hợp, thống kê được tương đối đầy đủ danh sách, số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo tại TPHCM và các tỉnh, thành. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu từ Đề án Truy xuất nguồn gốc thịt heo, các đối tượng tham gia đã quen sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất… là những thuận lợi bảo đảm cho sàn giao dịch vận hành dễ dàng và hiệu quả.
Nếu có sàn giao dịch thịt heo, người mua sẽ yên tâm vì có thịt heo an toàn, giá cả phải chăng
Ông Lê Hoàng Phong, Trưởng phòng kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, trung bình mỗi đêm có 5.200 con heo, tương đương 370 tấn nhập chợ. Tuy nhiên ông Phong khẳng định có hiện tượng heo không đạt chuẩn an toàn thực phẩm vẫn nhập chợ.
“Chợ có 50 chủ sạp và 25 thương lái. Đây là số lượng nồng cốt tại chợ, thế nhưng vẫn có những thương lái từ bên ngoài đưa heo nghi mắc bệnh vào chợ. Hiện chợ đã xử phạt 45 trường hợp vi phạm, buộc ngừng kinh doanh 11 trường hợp. Sàn giao dịch thịt heo là vấn đề cấp thiết, ở đó người chăn nuôi sẽ quyết định giá chứ không phải phụ thuộc vào thương lái như hiện nay” – ông Phong khẳng định.
Tuy nhiên, sàn giao dịch lợn mang tính tiên phong và dự kiến sẽ gặp khó khăn trong thời gian ban đầu. Chính vì vậy, một số đơn vị hoạt động trong chuỗi cung ứng và sản xuất thịt lợn đề xuất TPHCM cần có cơ chế chính sách hỗ trợ ở giai đoạn thí điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận