TPHCM lo ngại đà suy giảm của 4 ngành công nghiệp trọng yếu
Bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM gồm chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất-cao su- nhựa; cơ khí; điện tử trong tháng 1-2020 giảm khá sâu so với cùng kỳ tháng 1-2019.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội của TPHCM diễn ra sáng nay 18-2, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố trong tháng 1-2020 giảm 3,99%, trong khi cùng kỳ tháng 1 năm 2019 tăng 5,1 %.
Đáng chú ý bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM thì chỉ có duy nhất ngành điện tử tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống giảm 2,8% (cùng kỳ tăng 5,13%). Ngành hóa chất-cao su- nhựa giảm 0,99% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,37%). Ngành cơ khí cũng giảm 7,37 % so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,55%). Duy nhất chỉ có ngành sản xuất hàng điện tử tăng 2,80% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,73%).
Nói rõ hơn về việc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM giảm trong tháng đầu tiên của năm 2020, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết, do tháng 1-2020 có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động sản xuất thực tế chỉ có 18 ngày. Một số ngành như cơ khí; cao su-nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm đồ uống các doanh nghiệp tập trung sản xuất vào cuối năm 2019 để phục vụ Tết nên tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp tập trung bán hàng tồn kho nên chỉ số các ngành này giảm.
Duy nhất chỉ có ngành sản xuất hàng điện tử tăng là do ngành này có thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có sản phẩm điện tử dùng chip thương hiệu Việt như bo mạch điều khiển đèn chiếu sáng đường, khóa xe container…
Lo ngại về tình hình sụt giảm của 4 ngành công nghiệp trọng yếu, Chủ tịch TPHCM ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Công thương, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để ngăn đà suy giảm của 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong quí 1-2020. Đồng thời, rà soát lại các mặt hàng được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để có chính sách hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng này trong thời gian tới.
Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của TPHCM chiếm khoảng 45% giá trị sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 26% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.
Để tạo điều kiện cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu phát triển, TPHCM đã ban hành nhiều chính sách và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất; thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và xây dựng cụm liên kết sản xuất.
Chính quyền thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp, đặc biệt là thông tin về các doanh nghiệp chế tạo cơ khí để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin khi có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận