TPHCM kiến nghị kéo dài Metro 4b nối Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành
Tàu chạy trực tiếp từ sân bay Tân Sơn nhất đến sân bay Long Thành thông qua tuyến đường sắt đô thị 4b kéo dài và kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành.
UBND TPHCM vừa có văn bản góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Cục Đường sắt Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông vận tải) xây dựng.
UBND TPHCM kiến nghị tổ chức chạy tàu hỏa trực tiếp từ cảng hàng không Tân Sơn Nhất đến cảng hàng không Quốc tế Long Thành thông qua tuyến đường sắt đô thị số 4b kéo dài.
Theo đó, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung phương án tổ chức chạy tàu trực tiếp từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thông qua tuyến đường sắt đô thị số 4b kéo dài.
Tuyến tàu sẽ chạy theo lộ giới của trục: đường Phạm Văn Đồng, đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến Vành đai 2 (TP Thủ Đức) và kết nối ray trực tiếp với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành tại nút giao Vành đai 2 với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Phương án này giúp tăng cường phát triển hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Tuyến metro 4b dài 3,2km, được thiết kế đi ngầm với 3 nhà ga. Hướng tuyến: ga Công viên Gia Định - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - sân bay Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5).
Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng góp ý đối với mạng lưới đường sắt khu vực TPHCM, trong đó đề nghị giữ tuyến đường sắt Trảng Bàng - Xa Mát và tuyến đường sắt nhẹ kết nối Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc quy hoạch đường sắt quốc gia.
Ngoài ra, UBND TPHCM thống nhất đề xuất quy hoạch: ga Bình Triệu là ga đầu cuối của tuyến đường sắt quốc gia và đoạn tuyến đường sắt hiện hữu từ Bình Triệu - Hòa Hưng xem xét tận dụng một phần để chuyển thành đường sắt đô thị.
Thống nhất phương án nghiên cứu đường sắt quốc tế liên vận, nối ray tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài, nhằm rút ngắn cự ly vận chuyển từ TPHCM đến Phnom Pênh (Campuchia).
UBND TPHCM cho rằng bổ sung đoạn tuyến đường sắt nối từ nút giao Gò Dưa tới cầu Gò Dưa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố.
Dự thảo quy hoạch đề xuất bổ sung đoạn tuyến nối từ nút giao Gò Dưa tới cầu Gò Dưa phục vụ tàu khách phía cần Thơ, Mộc Bài tiếp cận tới ga Bình Triệu (kết nối ga Thạnh Xuân - ga Bình Triệu).
Chiều dài đoạn tuyến đề xuất bổ sung khoảng 3,9km. Trong đó, 2,3km đi trùng lộ giới đường Vành đai 2 và khoảng 1,6km tuyến mới đi qua khu vực dân cư hiện hữu, nên phải bổ sung 2 nút giao đường sắt với đường sắt (nút giao với tuyến TPHCM - Cần Thơ và nút giao với tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng).
Tuy nhiên, theo phân tích của UBND TPHCM, việc bổ sung tuyến đường sắt như trên sẽ tạo ra hành lang tuyến mới chưa có trong quy hoạch đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu trên địa bàn TPHCM và không phù hợp với hiện trạng xây dựng của đô thị.
Hệ thống đường sắt đô thị sẽ kết nối hành khách các tuyến đường sắt phía Cần Thơ, Mộc Bài tiếp cận ga Bình Triệu và trung tâm thành phố.
Theo đó, UBND TPHCM dự báo sẽ rất khó khăn trong việc thu xếp quỹ đất cho tuyến bổ sung, nên đề nghị cần xem xét và đánh giá tính khả thi về đề xuất bổ sung tuyến đường sắt này.
Ngoài ra, UBND TPHCM đưa ra đề xuất, hành khách các tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Tây Ninh sẽ tiếp cận ga Bình Triệu và trung tâm thành phố bằng hệ thống các tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 3a, 3b, 4).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận