24HMONEY đã kiểm duyệt
15/12/2020
TPHCM đã có những gì để lập thành phố Thủ Đức? Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người với 34 phường. Hiện tại, khu Đông (với 3 quận là Thủ Đức, 2, 9) đã có những gì để đón đầu thành phố Thủ Đức?
Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Như vậy, từ ngày 1/1/2021, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
Những năm qua, TPHCM đã đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng ở khu Đông, mà nay sắp là thành phố Thủ Đức.
Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hiện tại, Công ty Đại Quang Minh đang xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Dự kiến thông xe trong năm 2021.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện Quận 1, với tổng diện tích 657ha. Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TPHCM với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí.
Theo quy hoạch 1/2000 được duyệt, trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm khu vực lõi trung tâm chính, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc Đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu Châu thổ phía Nam.Tổng dân số cư trú thường xuyên là 145.369 người, số người làm việc thường xuyên là 217.470 người, trong đó khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), Văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.719 người.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được chia thành 8 khu chức năng. Mỗi khu chức năng có đặc điểm riêng về công năng sử dụng hỗn hợp, mật độ xây dựng riêng, các không gian công cộng và các công trình điểm nhấn.
Thành phố Thủ Đức trong tương lai cũng đã được đầu tư tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên.
Hiện nay, tiến độ thi công Gói thầu số 2 "Xây dựng đoạn trên cao và Depot" thuộc tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đã đạt 88,49% khối lượng. Công tác thi công các nhà ga trên cao và trạm điện, cụ thể là việc sơn hoàn thiện đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng (công tác thi công sơn các nhà ga trên cao đạt 68,1% và trạm điện đạt 94% khối lượng).
Dự án tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên với chiều dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km trên cao và đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và Dĩ An (Bình Dương). Có 14 nhà ga bao gồm 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và Depot nằm tại Long Bình, quận 9.
Dự kiến tuyến metro này sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm 2021.
Một điểm nhấn khác ở thành phố Thủ Đức là khu "nhà giàu" Thảo Điền quận 2.
Thành phố Thủ Đức được đầu tư hạ tầng bài bản.
Nét hiện đại của cả metro lẫn đường bộ.
Thành phố Thủ Đức là nơi có các dự án bất động sản mọc lên dày đặc.
Ngoài Xa lộ Hà Nội, kết nối khu vực trung tâm TPHCM với thành phố Thủ Đức còn có tuyến đại lộ đẹp nhất TPHCM tên là Phạm Văn Đồng.
Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông Bắc và đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, đại lộ Phạm Văn Đồng với chiều dài 12 km, rộng 12 làn xe được xem là tuyến đường huyết mạch kết nối toàn bộ khu vực Đông Bắc với trung tâm TPHCM.
Được mệnh danh là tuyến đường đẹp nhất TPHCM, kết nối nhanh sân bay Tân Sơn Nhất với quốc lộ 1A, kể từ khi đưa vào hoạt động, đại lộ Phạm Văn Đồng đã trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển rầm rộ của thị trường bất động sản khu Đông Bắc.
Đại lộ Phạm Văn Đồng đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, cải thiện hạ tầng đô thị, đồng thời kết nối với các khu vực trung tâm của thành phố như quận 1, quận 2, Phú Nhuận, sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng và thuận tiện hơn. Không chỉ kết nối nhanh vào trung tâm, tuyến đường này còn có thể dễ dàng di chuyển đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua quốc lộ 1A.
Ngoài lợi thế kết nối nhanh, với vị trí cực kì đắc địa, đại lộ Phạm Văn Đồng dễ dàng tiếp cận những tiện ích ngoại vi như Đại học Quốc gia TPHCM, sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông, siêu thị CoopXtra, eMart, Bệnh viện Hạnh Phúc, trung tâm thương mại Giga Mall…
Hiện nay, các dự án bất động sản nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng đang là đích nhắm của người dân tìm mua nhà ở lẫn nhà đầu tư nhờ hạ tầng phát triển đồng bộ, kết nối nhanh chóng đến các quận trung tâm và sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiện tại, TPHCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng Bệnh viên Ung bướu TPHCM cơ sở 2 ở quận 9.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 với mức đầu tư 5.845 tỷ đồng. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế và rất nhiều máy móc hiện đại nhất.
Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM nằm ở vị trí đắc địa, thuận tiện giao thông: gần Xa lộ Hà Nội, Bến xe Miền Đông, nhà ga Metro Suối Tiên, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc, khu du lịch Suối Tiên…
Đặc biệt trên nóc bệnh viện có sân đậu máy bay trực thăng phục vụ công tác vận chuyển khẩn cấp bệnh nhân cấp cứu.
Bệnh viện gồm 3 khối tòa nhà với đầy đủ các khoa, phòng chức năng; hệ thống trang thiết bị được đầu tư hiện đại, kỹ thuật cao; có thang máy cuộn bộ hành và thang máy vận chuyển bệnh nhân. Toàn bộ tòa nhà được thiết kế thông thoáng, hài hòa tạo cảm giác gần gũi. Sảnh đón tiếp bệnh nhân được chia nhiều khu chức năng như khám bệnh, điều trị, phát thuốc, sảnh chờ…
Ngoài ra, thành phố Thủ Đức còn có Bến xe Miền Đông mới, cũng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Cụ thể, kể từ ngày 10/10/2020, bến xe Miền Đông mới chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1, trong đó trước mắt tổ chức 22 tuyến xe khách (thuộc 71 tuyến nằm trong danh mục được Bộ Giao thông vận tải công bố hoạt động tại bến xe Miền Đông mới) đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra Bắc có cự ly tuyến 1.100km trở lên hoạt động tại bến xe.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư xây dựng tại vị trí giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu của TPHCM đi các tỉnh thành trong cả nước. Vị trí bến xe Miền Đông mới rất phù hợp để phát triển thành trung tâm trong mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng.
Bến xe Miền Đông mới được thiết kế không gian mở, thông thoáng với khối nhà ga gồm 2 tầng hầm và 3 tầng nổi, bao gồm sảnh đón khách, bãi chờ tài, kết nối các chức năng tiện ích hiện đại nhằm tăng sự hài lòng cho hành khách qua bến.
Toàn bộ cơ sở vật chất giai đoạn 1 của bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 740 tỷ đồng đã sẵn sàng đưa vào hoạt động và khai thác trong giai đoạn đầu.
Bình luận