menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Tp. Hồ Chí Minh lấy ý kiến về mô hình sàn giao dịch lợn

Sàn giao dịch lợn giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với thị trường, cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch các thông tin về hàng hóa giao dịch cho tất cả chủ thể liên quan.

Hiện nay, trung bình một gia đình thành thị tại Việt Nam chi 1,1 triệu đồng/tuần cho thực phẩm tươi sống, gấp 3 lần chi tiêu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Cụ thể, trong giỏ hàng thực phẩm tươi sống của người tiêu dùng thì thịt lợn đứng vị trí thứ 2 và chiếm 14%.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Tọa đàm lấy ý kiến về mô hình sàn giao dịch lợn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh do Sở Công Thương thành phố tổ chức sáng 14/11.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, quy mô thị trường thịt lợn tại thành phố đạt 17.000 tỷ đồng/năm, tương đương 750 USD/năm; thị trường đạt sức tiêu thụ 10.000 con lợn/ngày.

Nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh chủ yếu do 10 tỉnh, thành lân cận đáp ứng với 1.500 cơ sở chăn nuôi, 24 cơ sở giết mổ, 70 thương lái, 100 thương nhân kinh doanh lợn mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền cùng 12 nhà bán lẻ hiện đại.

Hiện người tiêu dùng Việt có thói quen phổ biến là dùng thịt nóng (mới giết mổ); trong khi đó, quy cách, tiêu chuẩn chưa đồng bộ và giết mổ thủ công chưa đảm bảo vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm.

Do đó, cơ quan nhà nước khó quản lý những đối tượng tham gia quá trình chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh. Việc định hướng chăn nuôi, quản lý và điều tiết thị trường của cơ quan quản lý còn bị động, gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, cần thiết hình thành sàn giao dịch lợn. Đây là mô hình giao dịch hiện đại, văn minh rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Sàn giao dịch giúp kết nối trực tiếp nhà sản xuất với thị trường, cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch các thông tin về hàng hóa giao dịch cho tất cả chủ thể liên quan.

Với mô hình này, số lượng chủ thể tham gia tập trung và có thể ứng dụng công nghệ thông tin để tham gia chuỗi cung ứng thịt lợn.

Cùng đó, Sàn giao dịch lợn đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa ngành chăn nuôi, tiêu thụ lợn theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường, giá thành và hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

Theo ông Neill James - Phó Tổng lãnh sự Anh tại Tp. Hồ Chí Minh, sàn giao dịch lợn là mô hình có tiềm năng, sẽ tạo ra bước đột phá cho thị trường cũng như hình thành chuỗi liên kết cung ứng mặt hàng này.

Từ đầu năm 2019, một số tổ chức của Anh đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh phát triển sàn giao dịch lợn.

Tại Việt Nam, ngành sản xuất thịt lợn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống người dân với mức tiêu thụ lớn hàng năm. Do đó, việc hình thành Sàn giao dịch lợn sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho ngành sản xuất thịt lợn và mang lại lợi ích thiết thực cho các bên từ người sản xuất đến tiêu dùng.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đánh giá, việc hình thành mô hình Sàn giao dịch lợn phù hợp với bối cảnh ngành sản xuất thịt lợn của việt Nam; góp phần xây dựng chuỗi cung ứng và phát triển phương thức kinh doanh mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến thị trường thịt lợn hiện nay, phải đẩy mạnh kết nối các đối tượng chủ thể trong ngành sản xuất này để đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan Nguyễn Đăng Phú cho hay, mô hình sàn giao dịch lợn là một giải pháp đáp ứng xu hướng thị trường.

Để phát triển, cơ quan quản lý nhà nước có thể giữ vai trò định hướng, còn phương thức hoạt động theo hướng cổ phần hóa.

Còn ông Lê Hoàng Phong - Trưởng phòng kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn nhận xét, hiện tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa không đồng bộ nên việc hình thành sàn giao dịch lợn là vấn đề tất yếu.

Khi tham gia, đơn vị sản xuất không bị phụ thuộc giá cả vào thương lái mà cạnh tranh lành mạnh bằng tiêu chuẩn chất lượng và minh bạch thông tin.

Tuy nhiên, sàn giao dịch lợn mang tính tiên phong và dự kiến sẽ gặp khó khăn trong thời gian ban đầu. Chính vì vậy, một số đơn vị hoạt động trong chuỗi cung ứng và sản xuất thịt lợn đề xuất Tp. Hồ Chí Minh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ ở giai đoạn thí điểm.

Ghi nhận ý kiến đề xuất của các đơn vị, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, mỗi ngành hàng đều có những đặc điểm riêng và cần giải pháp quản lý với cơ chế chính sách phù hợp.

Chính vì vậy, sự hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài nước, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và chủ thể trong chuỗi cung ứng thịt lợn đóng vai trò quan trọng. Trên cơ sở đề xuất của các bên liên quan, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ tham mưu cho UBND để lựa chọn thí điểm mô hình sàn giao dịch lợn phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững, đáp ứng cung – cầu của thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại