Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị sớm ban hành quy định về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND thành phố đề xuất trình Chính phủ sớm ban hành văn bản về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước với trường hợp được bố trí sử dụng nhà để ở sau ngày 19/1/2007.
Liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị UBND thành phố đề xuất trình Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với các trường hợp được bố trí sử dụng nhà để ở từ sau ngày 19/1/2007 (là ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước).
Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương về mô hình hoạt động mở rộng của Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng để thực hiện chuyển giao, quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước một cách tập trung, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đối với nhà ở tái định cư thuộc sở hữu nhà nước, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch phát triển và quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địan bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2020 và những năm tiếp theo đến năm 2025.
Theo Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh hiện nay việc quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được UBND Tp. Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng và UBND quận, huyện quản lý; trong đó Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố và các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện là đơn vị quản lý, giữ hộ trực tiếp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên việc quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước của các công ty nói trên chưa chuyên sâu, việc quản lý, kiểm tra sử dụng nhà chưa chặt chẽ, nợ đọng tiền thuê nhà số lượng lớn nhưng chưa có giải pháp xử lý, công tác bán nhà còn chậm so với yêu cầu.
Số lượng nhà ở còn lại đến nay chưa bán được có nhiều nguyên nhân phức tạp, trong đó có nhiều văn bản của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và nhiều văn bản xử lý của thành phó có sự trùng lắp, mâu thuẫn nên khi xử lý từng trường hợp cụ thể chưa có sự thống nhất. Quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhà ở xã hội ngoài ngân sách còn hạn chế về số lượng và cơ chế giá bán khó tiếp cận đối với các đối tượng cán bộ, công chức, gia đình chính sách…
Trong khi đó, việc tái định cư thời gian qua chủ yếu để người dân có chỗ ở, chưa quan tâm đến không gian sống, công ăn việc làm, các chính sách an sinh xã hội đi kèm, việc dự báo nhu cầu về nhà ở tái định cư còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết với kế hoạch đầu tư đa ngành các dự án trọng điểm có giải phóng mặt bằng gắn với các dự án phát triển nhà ở phục vụ tái định cư. Một bộ phận người dân chuyển nhượng suất tái định cư để hưởng chênh lệch, dẫn tới việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho người dân đã được bố trí tái định cư.
Về quản lý nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện các Nghị định liên quan của Chính phủ, thành phố có 10.598 căn hộ, trong đó biệt thự có 572 căn, nhà phố có 4.648 căn, chung cư có 5.378 căn, đang quản lý trống 82 căn.
Từ ngày 6/6/2013 đến ngày 31/12/2016, tổng số nhà cũ đã bán được là 999 căn với tổng số tiền hơn 463 tỷ đồng. Đối với nhà tái định cư thuộc sở hữu nhà nước, thành phố đã phát triển 41.050 căn và nền đất phục vụ tái định cư cho chương trình 12.500 căn thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu tái định cư Vĩnh Lộc B… Thành phố đã sử dụng 29.127 căn và nền đất để phục vụ tái định cư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, chỉnh trang đô thị…
Số căn hộ và nền đất còn lại (11.923 căn và nền đất), Sở Xây dựng đã trình, báo cáo UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển và quản lý, phục vụ các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2020 và những năm đến năm 2025.
Trong khi đó, nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, đến nay thành phố đã tiếp nhận và quản lý 6 dự án hoàn thành với 569 căn hộ, đã bố trí hết. Hiện thành phố đang chuẩn bị triển khai dự án nhà ở xã hội tại 35 Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận