Tp.HCM ưu tiên các dự án nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp
UBND Tp.HCM dự kiến tổng quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 5.239 ha, gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Ưu tiên nhà ở cho người thu nhập thấp
HĐND TP.HCM khóa X đã khai mạc kỳ họp thứ 6 và nghe báo cáo của UBND Tp.HCM về nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Tp.HCM phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, diện tích nhà ở bình quân của địa phương đạt 23,5m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà.
Báo cáo trước HĐND Tp.HCM, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM trình bày: “Giai đoạn này, Tp.HCM sẽ chủ trương phát triển nhà ở tại những khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, các tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; Metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên”.
Tp.HCM cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo lập, xác định rõ quỹ đất phát triển dự án nhà ở tại các quận nội thành. Giai đoạn 2026-2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân hướng tới là 26,5 triệu m2 sàn.
Để làm được mục tiêu này, Tp.HCM sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội, tạo quỹ đất phát triển dự án các huyện ngoại thành, ưu tiên các dự án nhà ở giá rẻ, phục vụ người dân lao động đến Tp.HCM sống, làm việc.
Theo dự báo, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2025 của người dân Tp.HCM là 59 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026- 2030 là 57,5 triệu m2 sàn. Tổng nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 37 triệu m2 sàn, trong đó chủ yếu là nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp tại Tp.HCM.
Về nhà ở thương mại, Tp.HCM xác định cần 37 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2021- 2030 để đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 107,5 triệu m2 sàn. Tổng quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 5.239 ha, trong đó nhu cầu nhà ở xã hội là 451 ha, nhà ở thương mại khoảng 4.788 ha.
Thành phố này cũng đưa ra chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân đầu người của Tp.HCM đến năm 2025 là 23,5 m2/người với tổng diện tích sàn 50 triệu m2; đến năm 2030 là 26,5 m2/người với tổng diện tích sàn 57,5 triệu m2giai đoạn 2026-2030.
Vì thế, Tp.HCM phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đến năm 2025 là 10 m2/ người, đến năm 2030 là 12 m2/người.
Về nhà ở xã hội, Tp.HCM dự kiến phát sinh khoảng 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 35.000 căn giai đoạn 2021- 2025. Ở giai đoạn 2026- 2030, sẽ phát sinh 4,08 triệu m2 sàn, tương ứng 58.000 căn nhà.
Khó khăn từ quy hoạch chung
Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, trong 5 năm (2016 - 2020), dân số toàn Tp.HCM tăng thêm 983.406 người, diện tích nhà ở bình quân đầu người vẫn tăng từ 1,67m2/ người năm 2015 lên 20,8m2/người năm 2020 là đạt so với chỉ tiêu đặt ra.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng thêm cho thấy việc phát triển nhà ở đã đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của dân số tăng thêm và góp phần cải thiện diện tích nhà ở hiện hữu.
Báo cáo của UBND Tp.HCM nhìn nhận, diện tích nhà ở theo dự án phát triển mới đã lớn hơn gấp đôi chỉ tiêu đặt ra, phát triển dự án góp phần thay đổi diện mạo Tp.HCM khang trang, hiện đại, thay thế dần các khu nhà lụp xụp, nhà trên và ven kênh rạch, các khu nhà, chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Chất lượng nhà ở được nâng cao, lượng nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ giảm đi rõ rệt, chỉ còn 34% so với năm 2015 (giảm 26.000 căn).
Tuy nhiên, Tp.HCM đánh giá lượng nhà ở thiếu kiên cố trên địa bàn còn hơn 13.000 căn; chủ yếu là nhà ở của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có thu nhập thấp.
Đồng thời, chính quyền địa phương đang giảm dần tỉ lệ nhà ở thấp tầng trong các dự án. Việc xây nhà ở chung cư là xu hướng tất yếu, giúp tiết kiệm quỹ đất ở của Tp.HCM.
Tp.HCM hiện phát triển mạnh các loại hình nhà ở xã hội, từ 2016-2020 đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn. Dù vậy, số lượng căn hộ hoàn thành vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội của các nhóm đối tượng xã hội.
UBND Tp.HCM cho rằng, tồn tại hiện nay là đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 và chương trình phát triển đô thị Tp.HCM đến năm 2030 vẫn chưa được phê duyệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định tầm nhìn, định hướng, chỉ tiêu phát triển nhà ở từng khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận