TP.HCM: Số doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn tăng hơn 45%
Từ đầu năm đến ngày 29/02, trên địa bàn Tp.HCM đã có 240 doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn là 4.309 đơn vị, tăng 45,1%.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 03/2020 và quý I/2020 do Cục thống kê Tp.HCM công bố, doanh nghiệp ngừng hoạt động từ đầu năm đến ngày 29/02 trên địa bàn thành phố là 240 doanh nghiệp giải thể (giảm 61,5%), số doanh nghiệp chuyển đi tỉnh thành khác là 348 đơn vị (tăng 46,8%) và doanh nghiệp ngưng hoạt động có thời hạn là 4.309 đơn vị, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2020, Thành phố đã cấp phép 8.121 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 95.000 tỷ đồng. So cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 2,2% và vốn giảm 30,7%.
Tình hình kinh tế - xã hội Thành phố quý I năm 2020 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-191, giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng giữa Nga và Ả Rập Saudi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng với biến đổi khí hậu đã khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất bị gián đoạn.
Trong nước, giá cả bị tác động một phần bởi giá vàng, giá dầu của thế giới; ngành du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh; ngành chăn nuôi chưa kịp hồi phục sau bệnh dịch tả Châu Phi lại đối phó với nguy cơ nhiễm bệnh dịch cúm khác.
Nhìn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP quý I năm 2020 ước đạt xấp xỉ 335.7 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
Với mức tăng trưởng chung 0,42% của kinh tế Thành phố thì khu vực nông lâm thuỷ sản, khu vực công nghiệp, xây dựng đều tăng lần lượt 4,06% và 3,13%, đóng góp 0,72 điểm phần trăm. Trong khi đó, khu vực thương mại dịch vụ giảm 1,23%, làm giảm 0,76 điểm phần trăm.
Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng.
Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: vận tải kho bãi (giảm 0,37%), kinh doanh bất động sản (giảm 12,85%), giáo dục và đào tạo (giảm 26,57%), y tế và hoạt động cứu trợ (giảm 2,92%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 31,69%).
Về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm như dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên thì các hạng mục trên toàn tuyến đang được đẩy nhanh tiến độ, hiện đã thông tuyến dài 19,7 km; đã kết nối được 3 nhà ga lớn Bến Thành–Nhà hát Thành phố Ba Son dài 2,6km.
Khối lượng thực hiện toàn tuyến đạt trên 72%. Dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ nhập các toa xe và cho chạy thử kỹ thuật.
Tính riêng tháng 03/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn Tp.HCM chỉ đạt 2.943 tỷ đồng, so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước có mức giảm tương ứng là giảm 59% và giảm 68,4%.
Doanh thu du lịch lữ hành chỉ đạt 554 tỷ đồng, tỷ lệ này lần lượt là giảm 64% và giảm 77,4%.
Về xuất khẩu hàng hoá, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 3 đều tăng hơn so với tháng trước. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao như gạo tăng 29,1%; thủy sản tăng 20,4%; dệt may tăng 18,6%; túi xách, ví, vali tăng 16,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 15,6%,..
3 tháng đầu năm 2020, hơn 102,4 nghìn tấn gạo được xuất khẩu thông qua các cảng Tp.HCM, với giá trị hơn 207 triệu USD.
Gạo cũng là mặt hàng duy nhất có tăng trưởng xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, trong khi cà phê và cao su giảm 11,1% và 37,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu gần 6.8 tỷ USD thì máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tới 41,6% (xấp xỉ 3.6 tỷ USD), theo sau là dệt may với 1.1 tỷ USD (chiếm 13,6%),…
Đối với các thị trường mà Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA thì giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (Hiệp định EVFTA) trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1.1 tỷ USD, giảm 8,4% so cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận