TP. HCM sẽ không để F0 điều trị tại nhà thiếu thuốc
Theo Sở Y tế TP. HCM, địa bàn đang có 87.869 ca dương tính với SARS-CoV-2 cách ly, điều trị tại nhà. Theo quy định, những người này sẽ được cấp phát các gói thuốc A, B hoặc C tùy theo tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ người dân, nhiều người bệnh chưa được cấp phát thuốc điều trị kịp thời khiến tình trạng bệnh chuyển nặng.
Trong khi đó, nhiều trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế phường, xã cho rằng luôn cố gắng cấp phát các túi thuốc cho F0 tại nhà kịp thời.
Thuốc về đến đâu, cấp phát đến đó
Đang quản lý gần 2.000 F0 trên địa bàn nên Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp phát 2.150 túi thuốc A, B và 1.301 túi thuốc C.
Ngày 7/9, bác sỹ Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh cho biết, toàn bộ số thuốc này đã được Trung tâm phân bổ về các trạm y tế xã tùy theo số lượng F0 tại nhà đang quản lý.
"Khi nhận được thuốc phân bổ từ Sở Y tế, chúng tôi đã tiến hành cấp phát ngay cho các trạm y tế xã để nhân viên y tế cung cấp kịp thời cho người bệnh", bác sỹ Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Tuấn, báo cáo từ các trạm y tế cho thấy đến nay một số nơi vẫn chưa sử dụng hết số thuốc này do một số người dân đã chuẩn bị sẵn thuốc, nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ gói thuốc cơ bản để cấp phát cho người dân... Với số thuốc còn lại, Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh yêu cầu các trạm y tế tiếp tục cấp phát khi trên địa bàn phát sinh ca dương tính mới.
"Thuốc về tới đâu là phân bổ cho các trạm y tế và yêu cầu cấp phát cho người bệnh tới đó", Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp khẳng định. Theo bác sỹ Hòa, hiện nay các trạm y tế vẫn còn một cơ số thuốc nhất định do nhiều người dân đã có sẵn thuốc hoặc được hỗ trợ nên chưa cấp phát hết.
Tương tự, bác sỹ Lâm Phước Trí, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú, cho biết phường đang quản lý gần 700 F0 tại nhà. Đây là những người dương tính với SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Đến nay, Trạm y tế phường Tân Quý đã tiếp nhận 713 túi thuốc A, B và 44 túi thuốc C từ Trung tâm Y tế quận Tân Phú và cơ bản đã cấp phát hết cho các F0 điều trị tại nhà. "Chúng tôi đang kiến nghị Trung tâm Y tế quận Tân Phú cấp phát thêm các túi thuốc A, B, C để có thể cấp phát kịp thời khi trên địa bàn có ca dương tính mới", bác sỹ Trí chia sẻ thêm.
Cũng theo bác sỹ Trí, trước khi có các túi thuốc điều trị do Sở Y tế cấp phát, Trạm Y tế phường đã vận động hỗ trợ một số thuốc điều trị cơ bản như thuốc hạ sốt, vitamin C, thuốc tan đờm... để phát cho người dân.
Không để chậm trễ cấp phát thuốc cho F0 tại nhà
Trước thông tin phản ánh của người dân về vấn đề chậm cấp phát thuốc điều trị cho F0 tại nhà, các nhân viên y tế lý giải, điều này có xảy ra ở vài nơi nhưng không phải phổ biến và nguyên nhân được cho là do điều kiện khách quan.
Đang quản lý khoảng 600 F0 tại nhà, bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 16, quận Gò Vấp, cho biết đến nay toàn bộ những trường hợp này đều được cấp phát đầy đủ các túi thuốc cần thiết. Song quá trình cấp phát thuốc gặp nhiều khó khăn do số lượng nhân sự của trạm y tế rất ít ỏi, trong khi mỗi ngày đều có F0 mới.
Từ cuối tháng 8, Trạm được chi viện thêm 3 nhân sự từ lực lượng quân y, nhưng do không thạo đường đi nên nhân viên y tế của trạm vẫn phải đi theo để hỗ trợ.
Ngoài ra, nhiều người tự test nhanh tại nhà, sau đó gọi điện yêu cầu nhân viên y tế phải đưa thuốc đến ngay song việc cấp phát thuốc cần trải qua quy trình cần thiết. "Khi nhận được thông tin test nhanh dương tính của người dân chúng tôi phải tiến hành test lại, thăm khám, tư vấn và tùy vào tình trạng bệnh để phát thuốc vì thuốc không thể uống một cách tùy tiện, bừa bãi.
Có nhiều trường hợp tự test nhanh dương tính nhưng khi chúng tôi test lại thì lại âm tính, do đó chúng tôi phải thận trọng", bác sỹ Thương chia sẻ.
Cùng chung ý kiến, bác sỹ Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quý (Tân Phú) cho rằng, việc cấp phát thuốc cho F0 tại nhà cần kịp thời nhưng vẫn phải thận trọng, hướng dẫn đầy đủ.
Chia sẻ về quy trình tiếp nhận thông tin, quản lý điều trị F0 tại nhà, bác sỹ Trí cho biết, thông thường khi phát hiện có trường hợp F0 trên địa bàn, nhân viên y tế sẽ phối hợp với các lực lượng khác tiến hành kiểm tra, thực hiện chăng dây, dán bảng cách ly và tiến hành thăm khám, phân loại.
"Nếu người nào có triệu chứng hoặc gia đình không có điều kiện tự cách ly thì sẽ đưa đi cách ly tập trung, còn trường hợp đủ điều kiện thì sẽ cách ly tại nhà, tư vấn, cấp phát ngay túi thuốc tùy theo tình trạng bệnh", bác sỹ Trí cho hay.
Bên cạnh đó, có tình trạng người dân tự test nhanh tại nhà dương tính nhưng không báo lên y tế địa phương, sau đó lại phản ứng tại sao không cấp phát thuốc sớm.
Về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, số ca dương tính tăng thêm từng ngày, thậm chí là từng giờ; trong khi đó số lượng nhân viên y tế của các trạm y tế đang rất thiếu và phải đảm trách nhiều việc, do đó có thể xảy ra tình trạng chậm trễ cấp phát thuốc cho người bệnh F0 tại nhà.
Bác sỹ Hòa khẳng định: Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để làm sao đưa túi thuốc sớm nhất đến với người bệnh, giúp họ yên tâm hơn để điều trị tại nhà.
Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố chiều 6/9, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, các cơ sở y tế tại phường, xã hiện nay không đáp ứng kịp khiến xảy ra tình trạng chậm cấp phát túi thuốc tới người bệnh.
Ngoài 2 túi thuốc A, B thông dụng thì túi thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir cần sự kiểm soát chặt từ Bộ Y tế, người sử dụng phải có cam kết nên việc triển khai túi thuốc đến F0 tại nhà có sự chậm trễ nhất định.
Để không còn tình trạng F0 chậm nhận thuốc, trong thời gian qua, Sở Y tế đã tăng cường thêm 40 đội y, bác sỹ hỗ trợ các quận, huyện, phường, xã.
Ngoài ra, lực lượng Quân đội cũng tăng cường thêm 28 đội quân y lưu động cho Thành phố. Sở Y tế cũng yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cải tiến quy trình làm việc nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phát thuốc.
Trong đó biện pháp được tính đến là phát thuốc ngay khi phát hiện F0. Thành phố cũng sẽ bổ sung các trang thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác nhập liệu thông tin F0 được chăm sóc tại nhà giúp quản lý thông tin người bệnh dễ hơn.
"Việc củng cố hệ thống y tế cộng đồng, đặc biệt tại phường, xã là chiến lược quan trọng của Thành phố hiện nay và thời gian tới nhằm giúp các tầng điều trị hạn chế số F0 chuyển nặng, giảm thiểu trường hợp tử vong", bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có công văn yêu cầu trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức rà soát việc cấp túi thuốc điều trị cho các F0 tại nhà, tuyệt đối không để bất kỳ trường hợp nào thiếu thuốc. Sở Y tế sẽ xử lý đơn vị nào chậm trễ trong việc cấp phát túi thuốc cho người bệnh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận