menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hồng Hoa

TP HCM sau hơn 4 năm có cơ chế đặc thù

Nghị quyết 54 giúp TP HCM tăng thu nhập cán bộ, rút ngắn thời gian một số thủ tục hành chính, nhưng chưa tăng được nguồn thu ngân sách như kỳ vọng.

Trên đề xuất của TP HCM, tháng 11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022. Những chính sách đặc thù này được kỳ vọng tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá sau nhiều năm giảm tốc do "chiếc áo cơ chế" ngày càng chật, kinh tế thành phố bộc lộ bất cập.

TP HCM sau hơn 4 năm có cơ chế đặc thù

Tốc độ tăng trưởng bình quân của TP HCM từ năm 1996 đến 2021. Đồ họa: Khánh Hoàng

Ngay sau đó, thành phố ban hành nhiều chính sách thực hiện nghị quyết này. Trong đó, nội dung đầu tiên được triển khai là chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch, bậc. Chính sách này được cho phù hợp với năng suất thực tế của người lao động thành phố - gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Huỳnh Thanh Nhân cho biết chính sách này tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó lâu dài. "Dẫu chưa được hệ số 1,8 như Nghị quyết, nhưng cũng có phần thúc đẩy người lao động làm việc tích cực hơn nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ông đánh giá.

Cùng với tạo động lực cho cán bộ, cơ chế uỷ quyền từ thành phố cho cấp huyện được cho đã giúp rút ngắn thời gian của một số loại thủ tục hành chính. Cụ thể, quá trình duyệt kế hoạch và thực hiện quỹ lương hàng năm của doanh nghiệp nhà nước giảm từ 22 còn 10 ngày sau khi ủy quyền cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Hay việc ủy quyền cho Ban quản lý Khu công nghệ cao thẩm định, duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư vào đây cũng rút ngắn thời gian giải quyết từ 50 còn 42 ngày...

Đặc thù trong quản lý đất đai trao quyền cho HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, giúp rút gọn quy trình, tiết kiệm thời gian thay vì phải mất khoảng 6 tháng để chờ ý kiến Thủ tướng như trước. Kết quả, từ 2018 đến 2020, HĐND thành phố đã thông qua 32 dự án với tổng diện tích 1.850 ha, trong khi hai năm trước đó chỉ có 21 dự án được chuyển.

Bên cạnh một số kết quả khả quan, hầu hết các cơ chế chính sách đặc thù còn lại về quản lý tài chính trong Nghị quyết 54 nhằm tăng nguồn thu TP HCM đều chưa tận dụng được. Cụ thể, Quốc hội cho thành phố hưởng toàn bộ số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thay vì phải phân cấp nguồn thu với Trung ương. Tuy nhiên, thực tế sau ba năm, giá trị thu được từ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố chỉ đạt hơn 391 tỷ đồng.

Nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thể triển khai. Năm 2019, Chính phủ duyệt danh mục 38 doanh nghiệp của thành phố phải cổ phần hoá đến hết năm 2020, song thành phố không thực hiện được do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp.

TP HCM cũng chưa nhận đồng nào từ chính sách cho phép hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn. Đến nay, chỉ có hai cơ sở nhà, đất thuộc Trung ương quản lý tại thành phố được duyệt bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện.

TP HCM sau hơn 4 năm có cơ chế đặc thù

Khu trung tâm TP HCM, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Đối với chính sách thu thuế, thành phố đã xây dựng hai đề án: thí điểm tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường thông qua giá xăng với số thu dự kiến khoảng 750 tỷ đồng và thí điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia trên địa bàn. Tuy nhiên, cả hai đề án này sau đó đều không trình Chính phủ do thành phố đánh giá việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng hưởng trực tiếp người dân và doanh nghiệp.

Một số loại phí như: sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ôtô; bảo vệ môi trường từ nước thải công nghiệp; hạ tầng cảng biển được HĐND ban hành, tạo thêm nguồn ngân sách cho TP HCM nhưng số thu này không lớn. Trong đó, phí hạ tầng cảng biển chỉ mới được triển khai từ 1/4 năm nay do phải hoãn hai lần vì Covid-19.

Sau hơn 4 năm TP HCM áp dụng Nghị quyết 54, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển, đánh giá bên cạnh một số kết quả, thành phố còn nhiều việc chưa làm được, thậm chí có thể chưa tận dụng hết 50% cơ chế mà Nghị quyết này đề ra. "Đại dịch Covid-19 là lý do khiến thành phố chưa thể phát huy hết lợi thế trong Nghị quyết đặc thù. Nếu có thêm hai năm nữa sẽ có đánh giá chuẩn hơn", ông nói.

Theo ông Ngân, các vấn đề chưa làm được như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hay nguồn thu từ đấu giá tài sản công... hầu hết do vướng thủ tục pháp lý chung của cả nước, chứ không riêng TP HCM. Do đó, thành phố nên tiếp tục theo đuổi các chính sách này trong nghị quyết mới và có đề xuất phù hợp để gỡ vướng mắc. Việc chưa bán các tài sản này cũng không gây thiệt hại gì vì nguồn thu vẫn còn đó, thậm chí tăng giá trị theo thời gian.

Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết 54, thành phố đã nhìn thấy nhiều vướng mắc trong luật, cơ chế nên "nhiều chuyện đề ra nhưng chưa làm được". Thành phố đang soạn thảo nghị quyết thay thế và đã có dự thảo lần hai.

Theo ông Nên, trong lần đề xuất này, thành phố sẽ tập hợp đầy đủ thông tin để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền và gỡ vướng với các nội dung ngoài thẩm quyền. "Thậm chí, thành phố sẽ có cơ chế mang tính đột phá, thí điểm để đầu tàu kinh tế phát triển", ông nói.

Theo kế hoạch, trong tháng 5, thành phố tổ chức hội nghị với lãnh đạo các cơ quan, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân về tổng kết Nghị quyết 54. Dự kiến, ngày 25/5, UBND TP HCM sẽ trình dự thảo nghị quyết thay thế lên Ban Thường vụ Thành uỷ. Kỳ vọng cuối năm nay, nghị quyết thay thế có thể trình Quốc hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại