TP HCM hết đất xây nhà lưu trú công nhân
Khu công nghiệp, chế xuất tại TP HCM không còn quỹ đất để xây nhà lưu trú công nhân, trong khi số nhà hiện hữu chỉ đáp ứng 15% nhu cầu, theo lãnh đạo HEPZA.
Thông tin được ông Phạm Thanh Trực, Phó ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA) đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố kế hoạch 10 năm tới, sáng 10/3.
Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 280.000 lao động, trong đó trên 60% là người ngoại tỉnh. Đến nay, HEPZA đã xây 16 công trình nhà lưu trú công nhân, đáp ứng gần 21.000 chỗ ở. Tuy nhiên, số này chỉ đáp ứng 15% nhu cầu. Trong đó, cả giai đoạn 2016-2020, thành phố chỉ có một dự án nhà lưu trú công nhân rộng 7 ha với 1.449 phòng, đáp ứng 7.600 chỗ ở, tại Khu công nghiệp Đông Nam.
Theo ông Trực, khó khăn lớn nhất của HEPZA là không còn quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch xây nhà lưu trú công nhân, cũng như các công trình phục vụ tiện ích người lao động ngay trong ranh KCX, KCN. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng mất rất nhiều thời gian, công sức của nhà đầu tư do quy trình, thủ tục phức tạp. Đơn cử, Khu chế xuất Tân Thuận có 8.000 m2 đang điều chỉnh quy hoạch thành nhà lưu trú công nhân nhưng còn nhiều vướng mắc.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động TP HCM Trần Đoàn Trung cho biết đơn vị này có kinh phí và muốn xây nhà lưu trú công nhân, nhưng không làm được vì chưa có cơ chế cho một tổ chức chính trị - xã hội tham gia loại hình này.
Theo ông Trung, hơn 70% lao động ở thành phố là người nhập cư nên mức độ gắn bó với một địa bàn không cao. Nhóm này thường ưu tiên thuê nhà để lưu trú ngắn hạn, hơn mua nhà ở dài hạn nên cần phải xác định rõ nhu cầu về chỗ ở và sở hữu nhà ở. "Nếu cứ đặt nặng nhu cầu về sở hữu nhà ở để đảm bảo chỗ ở cho người lao động thì có lẽ TP HCM mãi mãi không giải quyết được", ông nói và cho rằng ngay cả vốn đối ứng ban đầu để họ tham gia trả góp đã rất khó khăn.
Đại diện Liên đoàn Lao động cho biết mỗi năm, cơ quan này chi 500-600 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động. Đây có thể trở thành khoản tín dụng thuê nhà hàng năm cho công nhân chứ không chỉ chi một lần, vì Liên đoàn ổn định được nguồn tiền. Tuy nhiên, cần có cơ chế để cơ quan này được tham gia xây nhà lưu trú hoặc ký túc xá công nhân.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhận định nhu cầu nhà cho thuê trên địa bàn lớn hơn mua nhà ở xã hội. Theo khảo sát thành phố có 60.470 nhà trọ đáp ứng nhu cầu cho gần 1,5 triệu công nhân, người lao động. Những người này không có nhu cầu sở hữu nhà vì liên tục di chuyển và biến động nên chọn thuê cho linh hoạt. Trong khi đó, chính sách nhà ở của thành phố thời gian qua lại theo hướng tập trung vào xây dựng và sở hữu.
Do đó, ông Khiết cho biết giai đoạn 2021-2025, TP HCM đã định hướng phần lớn tương lai của nhà thu nhập thấp là cho thuê, chứ không phải để bán. Các vướng mắc liên quan đến quy hoạch nhà lưu trú công nhân, Sở Xây dựng đang cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc giải quyết.
Giai đoạn 2021-2025, TP HCM dự kiến phát triển 500.000 m2 sàn nhà ở cho thuê, với khoảng 7.000 căn hộ; nhà lưu trú công nhân tăng 220.000 m2, khoảng 4.500 căn hộ. 5 năm tiếp theo, TP HCM muốn tăng thêm 816.000 m2 nhà cho thuê với 11.600 căn hộ; và 480.000 m2 nhà lưu trú công nhân với 8.000 căn hộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận