TP HCM giữ lại bao nhiêu % nguồn thu ngân sách là vừa?
Đầu tư cho phát triển là khác với đầu tư cho tăng trưởng. Đầu tư cho phát triển xã hội là phải nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân đủ cả ba mặt tâm-thể-trí.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng "Một đồng ngân sách để lại Thành phố sẽ tạo ra sản phẩm gấp 3 lần". Rõ ràng là đóng góp của Thành phố vào ngân sách là rất lớn. Nhưng 20 năm qua tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố đầu tư phát triển ngày càng giảm. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của Thành phố vào ngân sách cả nước ngày càng tăng, từ 26,5% giai đoạn 2001-2010 và đến giai đoạn 2011-2019 là 27,5%”. TP HCM năm 2000 tỷ lệ ngân sách được giữ lại là 33% nhưng chỉ còn 18% trong giai đoạn 2017-2020, theo báo chí đưa tin.
Nếu TP HCM được tự quyết ngân sách, và giả định là giữ được mức tăng trưởng không đổi, sau 30 năm GRDP của Thành phố sẽ bằng GRDP của Bangkok Metropolitan hiện tại. GRDP của Tp HCM (sau đây là “Thành phố”) năm 2019 là hơn 58 tỷ USD, Bangkok là 150 tỷ USD, và Đại đô thị Bangkok (Metropolitan) là 250 tỷ USD. GRDP của Thành phố hiện chiếm khoảng 1/4 GDP cả nước, đã là tỷ lệ lớn, trong khi GRDP của khu vực Metropolitan Bangkok chiếm hơn 44% GDP của Thái Lan, với dân số hơn 14 triệu người. Đây là vấn đề không hay ho gì mà khu vực Metropilitan Bangkok, Jarkata, Metro Manila của Philippines…đã và đang rơi vào tình thế nan giải chính sách giữa tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo, giải quyết những hệ quả xã hội do bất bình đẳng. Sự mất cân đối này rõ ràng là trở lực của phát triển.
Nếu TP HCM tăng trưởng nhanh quá trong khi nhiều tỉnh thành khác ì ạch, dựa dẫm thì lại gia tăng khoảng cách bất bình đẳng, méo mó vĩ mô. Và nếu Thành phố tiếp tục tăng trưởng nhanh trong khi không giải quyết được sự yếu kém của hạ tầng và dịch vụ công, sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.
Dân số 14 triệu ở khu vực Metro Bangkok lớn hơn 14 lần dân số của thành phố lớn thứ hai là Chiang Mai (Bangkok hơn gần 10 lần). Mặc dù chiếm khoảng 15% trong dân số 68 triệu người của Thái Lan, Metro Bangkok chiếm hơn 44% GDP. 13% dân số sống ở Manila (Metro Manila), là hơn 12 lần so với TP Cebu, Philippines. Việt Nam hiện có khoảng cách bất bình đẳng (Gini) còn ở mức trung bình, chưa phải cao, đây là thành quả cần phải bảo vệ và ngày càng được nâng cao. Sự chênh lệch khoảng cách về GRDP và dân số giữa hai thành phố lớn nhất nước là TP HCM và Hà Nội đã được kéo gần. Lấy nguồn thu của TP HCM để hỗ trợ các tỉnh thành yếu kém khác là không công bằng với đóng góp của người dân Thành phố, vấn đề là theo nguyên tắc công bằng (lại "công bằng"); tức lấy nơi giàu chia cho chỗ nghèo; chấp nhận một nơi không hài lòng để nhiều nơi hài lòng.
Dẫu vậy, nếu Thành phố được giữ lại nguồn thu lớn hơn - theo nguyên tắc hiệu quả thì, hy vọng Thành phố sẽ có quyết sách đúng đắn đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng đời sống của người dân: Như qua việc ưu tiên nâng cấp hạ tầng giao thông nội đô, và đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục và Y tế công, dịch vụ hành chính công, thay vì nguồn vốn ấy lại được tiếp tục đầu tư cho một mức tăng trưởng cao mới vì thành tích. Nếu hạ tầng không phát triển, sẽ không phát triển được ngành dịch vụ vốn là xương sống của kinh tế đô thị.
Cá nhân tôi cho rằng, Thành phố có thể không cần phải duy trì mức tăng trưởng cao như hiện tại, bởi tăng trưởng thì luôn phải cần tiền, là phải đánh đổi; ưu tiên cho cái này thì phải hy sinh cho cái khác. Khi Thành phố tăng trưởng nóng sẽ thu hút dân nhập cư tăng cao gây quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ công. Khoảng cách bất bình đẳng giữa các giai tầng thị dân trong thành phố sẽ càng được nới rộng, gia tăng bất ổn xã hội. Tăng trưởng có thể tốt về mặt nào đó, nhưng tăng trưởng mà đánh đổi chất lượng cuộc sống là tăng trưởng xấu, là điều không nên.
Đầu tư vào các chính sách phát triển có thể hy sinh một phần mức tăng trưởng trong ngắn và trung hạn, nhưng cái lợi về lâu dài sẽ là vô cùng to lớn. Nâng cao được chất lượng hạ tầng giáo dục và y tế tốt hơn sẽ giúp Thành phố gia tăng năng suất tổng trong dài hạn, từ đó mà có thể bắt kịp được với sự thay đổi của thế giới. Đầu tư vào vốn con người và vốn xã hội sẽ là hướng đi đúng đắn để hoà mình vào với xu thế CMCN 4.0, đầu tư vào các ngành thuộc tương lai như công nghệ sinh học, vật liệu thay thế, hậu cần công nghệ, công nghệ cao, du lịch sinh thái, fintech, không gian công cộng...từ bây giờ thì có thể đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tăng trưởng không lương tâm là chỉ quan tâm đến một bộ phận người có quyền và người giàu có, không cải thiện được điều kiện sống của đại đa số nhân dân; tăng trưởng không gốc rễ sẽ làm đạo đức xã hội bị suy thoái, mất trị an gia tăng; chất lượng cuộc sống suy giảm sẽ làm tăng những khoản phí tổn xã hội còn lớn hơn nhiều lợi ích ngắn hạn.
Ngoài ra, cần tạo ra cơ chế sao xoá được tâm lý dựa dẫm vào ngân sách trung ương của những địa phương được hỗ trợ. Việc thăng tiến của quan chức nên gắn với các chỉ số phát triển tự lực của địa phương sẽ tạo ra những thay đổi tích cực mới. Thành phố HCM đã vào danh sách các thành phố có GRDP trên 50 tỷ USD. Thành phố với dân số từ 10 triệu người là đã trở thành đại đô thị, thì tỉ lệ ngân sách được giữ lại phải ở mức bình quân là 35 - 45%, tức cao hơn hai lần tỉ lệ mà TP.HCM đang được hưởng, mới có thể tái đầu tư cho phát triển bền vững.
Như vậy, cần nâng tỷ lệ giữ lại ngân sách của Thành phố lên để đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội toàn diện, trở thành hình mẫu phát triển của Đất nước, vì lợi ích chung của Đất nước.
Quan trọng nhất là phải chống được tham nhũng, quan liêu và lãng phí thì mới xây dựng được niềm tin của người dân, nâng cao chất lượng Vốn xã hội. Không có niềm tin thì chính sách tốt cũng thất bại.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận