TP.HCM đề xuất điều tra doanh nghiệp chiếm dụng 2% kinh phí bảo trì chung cư
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với nội dung kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý việc doanh nghiệp địa ốc chiếm dụng kinh phí bảo trì chung cư.
Trong văn bản kiến nghị, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Luật Nhà ở 2014 quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư cố tình chây ì, không chịu trả quỹ bảo trì nhằm tận dụng dòng vốn vào mục đích khác. Đây cũng là nguyên nhân gây bùng phát tranh chấp, khiếu nại kéo dài không hồi kết xảy ra tại nhiều chung cư trên địa bàn TP. HCM…
Việc chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc chủ đầu tư, ban quản trị sử dụng không đúng, không công khai tài chính trong việc sử dụng kinh phí bảo trì thì Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện tiến hành kiểm tra hoặc lập đoàn thanh tra để kiểm tra. Trường hợp phát hiện vi phạm trong việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, Tranh tra Sở Xây dựng sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo quy định tại điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Thế nhưng tại Nghị định số 139 lại không quy định rõ chế tài xử lý đối với chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì. Điều này dẫn đến tranh chấp giữa chủ đầu tư và Ban quan trị. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất nội dung chế tài đối với hành vi vi phạm nêu trên, có thể chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân.
Sở Xây dựng đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, hướng dẫn để thống nhất trong công tác triển khai thực hiện và kịp thời xử lý các hành vi, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Mặt khác, đầu tháng 10/2020, Bộ Xây dựng cũng có Báo cáo Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ sửa đổi quy định liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư, trong đó chú trọng đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý, quy trình vận hành và quy bảo trì nhà chung cư.
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2016/TT-BXD về quản lý, vận hành nhà chung cư, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành.
Thông tư mới đã bổ sung các nội dung nhằm: Nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của Ban quản trị nhà chung cư (cho phép thuê người, thành lập bộ phận trực thuộc; cho phép nhận lương…; Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà chung cư; mở rộng quyền, trách nhiệm của UBND cấp phường, quận trong quản lý sử dụng nhà chung cư...
Hiện tại, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở. Dự kiến năm 2021-2022, Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó sẽ đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan đến việc quản lý và vận hành nhà chung cư, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý, quy trình vận hành và bảo trì nhà chung cư...
Bên cạnh đó là nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý trật tự đô thị, hoạt động xây dựng, quản lý thị trường bất động sản, quản lý vận hành nhà chung cư để hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý trật tự đô thị, hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý thị trường bất động sản, quản lý vận hành nhà chung cư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận