menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Chinh

TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Trong những năm qua, TP.HCM đã đạt nhiều thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng năm 2022, địa phương này tiếp tục giữ vững ngôi đầu khi thu hút 3,94 tỷ USD.

Số dự án còn hiệu lực cao nhất cả nước

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM, là năm phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch COVID-19, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Từ mức giảm sâu chưa từng có trong lịch sử, đến nay TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước. Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là "điểm sáng" ở TP.HCM.

Nhiều năm liền TP.HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chủ động trong hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Thật vậy, số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong năm 2022, tổng vốn FDI "chảy" vào TP.HCM là 3,94 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ, dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, TP.HCM cấp mới 893 dự án với vốn đăng ký đạt 601,1 triệu USD. Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 338 dự án, vốn đăng ký là 176,9 triệu USD, chiếm 29,4% vốn đăng ký cấp mới. Kế đến là hoạt động thông tin và truyền thông có 186 dự án, vốn đăng ký là 139,3 triệu USD, chiếm 23,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 231 dự án, vốn đăng ký 107,5 triệu USD, chiếm 17,9%.

Singapore là quốc gia dẫn đầu với 167 dự án, vốn đăng ký đạt 235,4 triệu USD, chiếm đến 39,2% vốn đăng ký cấp mới. Nhật Bản đứng thứ 2 với 86 dự án, vốn đăng ký 97,2 triệu USD, chiếm 16,2%. Tiếp theo là Hàn Quốc với 122 dự án, vốn đăng ký đạt 60,3 triệu USD, chiếm 10%.

Vốn đầu tư không chỉ tăng ở các dự án mới mà còn ở các dự án FDI cũ khi có đến 192 dự án điều chỉnh đăng ký vốn với số vốn tăng 1.600,7 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 22 dự án, vốn đăng ký 918,4 triệu USD, chiếm 57,4% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 22 dự án, vốn đăng ký 278,6 triệu USD, chiếm 17,4%. Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 12 tháng năm 2022 đạt 1.180,4 triệu USD, chiếm 73,7% vốn đăng ký điều chỉnh.

Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 2.411 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 1.738,6 triệu USD. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 826 triệu USD, chiếm 47,5% tổng vốn góp; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 309,9 triệu USD, chiếm 17,8%; kinh doanh bất động sản 225,2 triệu USD, chiếm 13,0%. Singapore và Hàn Quốc là 2 quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao lần lượt chiếm 47,5% và 16,9%.

Đáng chú ý, số dự án FDI còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn TP.HCM là 11.273 dự án với vốn đăng ký là 55,84 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về số dự án còn hiệu lực.

Trong khi đó, đối với các dự án nằm ngoài các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao, qua phân tích số liệu FDI của Sở KH&ĐT TP.HCM, giá trị vốn đầu tư bình quân 1 dự án/doanh nghiệp (tính chung cả hồ sơ đầu tư dự án trực tiếp và hồ sơ góp vốn mua cổ phần phần vốn góp) đạt 1,21 triệu USD/dự án, tăng 7% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư thu hút thông qua việc các dự án mở rộng quy mô, đăng ký tăng thêm vốn, với số vốn đăng ký tăng thêm gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Điển hình là dự án sản xuất công nghệ cao của Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (tăng hơn 841 triệu USD), dự án Trung tâm dữ liệu HCMC1 của NIT Global Data Centers Holding Asia (Singapore, vốn đăng ký mới là 56 triệu USD); dự án về giáo dục - đào tạo của Công ty TNHH MTV Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam (tăng gần 130 triệu USD), dự án về tài chính ngân hàng của Hellopay Singapore Pte.Ltd (vốn đăng ký mới hơn 22 triệu USD); dự án lĩnh vực thông tin, truyền thông Công ty TNHH Tiki (tăng hơn 254 triệu USD).

Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, đây đều là các nhóm ngành thuộc các lĩnh vực mà TP.HCM đang ưu tiên thu hút đầu tư. Việc tổng vốn đầu tư thu hút ở hình thức tăng vốn cao hơn cùng kỳ và cao hơn cả hình thức M&A, cấp mới cho thấy sự tin tưởng, đồng hành của các nhà đầu tư hiện hữu với môi trường đầu tư tại TP.HCM.

Chuyển hướng thu hút đầu tư có chiều sâu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, sau 30 năm phát triển, các KCX, KCN TP.HCM về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư vào các KCX, KCN chưa cao về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả sử dụng tài nguyên, thâm dụng lao động phổ thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện.

Trước những khó khăn, thách thức đó, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM đang tập trung chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng; áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Cụ thể, TP.HCM ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thể mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; thu hút các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; dịch vụ công nghiệp, ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Song song, TP.HCM kiên quyết không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Về công tác xúc tiến đầu tư, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Trong đó, duy trì kênh đổi thoại giữa TP.HCM với các nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án...

Ngoài ra, thời gian tới, TP.HCM tập trung xúc tiến đầu tư các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, những ngành, lĩnh vực, công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khi theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin (thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot...).

Tập trung thu hút đầu tư tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia có thể mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, các dự án công nghệ cao của các tập đoàn lớn đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc về các nước Đông Nam Á.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại