TP.HCM đã lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước
TP.HCM đã lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cần phải đẩy nhanh hơn nữa sự hồi phục của kinh tế TP, bởi sự cạnh tranh của TP.HCM không đơn thuần chỉ là cạnh tranh nội địa mà còn là bộ mặt quốc gia, cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.
Đó là quan điểm của PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - khi trả lời Tuổi Trẻ.
Phải nói rằng TP có truyền thống năng động, sáng tạo nên ngay trong đại dịch TP đã xây dựng chương trình phục hồi khi thấy dịch bắt đầu được kiểm soát. Chúng ta thí điểm ở các quận huyện, sau đó ban hành kế hoạch phục hồi với 11 chiến lược, tiếp theo Chính phủ cũng ban hành nghị định 128, đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", giúp các địa phương mở cửa, đặc biệt là TP.HCM. TP luôn đi đầu, tổn thương nhiều nhất nhưng là khôi phục sớm nhất, phục hồi nhanh nhất.
Sẽ mạnh mẽ trở lại như xưa
* Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy TP.HCM đã lấy lại ngôi vị "quán quân" xuất khẩu của cả nước từ tay Bắc Ninh khi TP thu về gần 9 tỉ USD trong hai tháng qua, con số này nói lên điều gì?
- Đây là tín hiệu rất tích cực, được người dân mong và doanh nghiệp (DN) mong đợi, cho thấy TP.HCM đã hồi phục sau cơn bệnh rất nặng do đại dịch COVID-19. Điều này cũng cho thấy ngay trong thời điểm dịch, TP vừa kiên cường chống dịch vừa chuẩn bị cơ hội sớm nhất để phục hồi, khi thấy có cơ hội kiểm soát được dịch bệnh là TP chuẩn bị ngay kịch bản để phục hồi.
Chính vì vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã phục hồi một cách cơ bản. Đến 15-3 tới, du lịch quốc tế mở cửa hoàn toàn, đường bay quốc tế nối lại bình thường sẽ là cơ hội để TP có những điều kiện phục hồi đầy đủ hơn. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1, 2 năm nay của TP đạt 9 tỉ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái (8 tỉ USD) nói lên rất nhiều điều. Dù kinh tế thế giới hiện nay còn chưa ổn định, chi phí logistics rất cao, giao thương chưa trở về như trước nhưng các DN xuất khẩu TP đã rất nỗ lực để vừa sản xuất vừa chống dịch và khi kiểm soát tốt dịch bệnh, thấy được cơ hội thì DN đã tăng tốc.
Ngay từ đầu năm nay, TP đã ban hành quyết định 132 về trọn bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025 theo hướng TP sẽ tập trung cho mũi nhọn đầu tiên là y tế. Vì thủng lưới y tế dẫn đến suy giảm kinh tế của TP, do đó TP tập trung đầu tư để nâng cao tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế điều trị, thuốc, vắc xin... Đây là nền tảng để TP vững tin mở cửa toàn bộ các hoạt động về kinh tế - xã hội, ngay cả giáo dục như việc trẻ đi học trở lại hay mở các dịch vụ karaoke, vũ trường... Tới đây có du lịch quốc tế nữa thì coi như TP đã mở toàn bộ, trở lại như cũ. Đó là sự cố gắng rất lớn của TP.
* Nhưng làm sao để sự phục hồi này bền vững, thậm chí tăng tốc, tạo bứt phá?
- Trong quý 1 và 2 này, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP chắc chắn chưa thể bứt phá được vì cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng cao. Tôi tin rằng từ quý 3 năm nay trở đi tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP sẽ thể hiện sự bứt phá. Sáu tháng đầu năm nay là giai đoạn TP phục hồi, giai đoạn mà chúng ta lấy lại sức khỏe, lấy lại đà sau những cái mất đi của dịch bệnh. Sáu tháng cuối năm chúng ta mới có thể tăng tốc được.
Tuy nhiên, để tăng trưởng một cách bền vững thì TP phải giải quyết được một số vấn đề. Thứ nhất, phải tiếp cận được gói tài khóa, tiền tệ vừa ban hành, trong đó phải đảm bảo được đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, nhà ở cho người lao động, chính sách xã hội cho các gia đình khó khăn, giúp các DN giảm thuế phí, tiếp cận vốn vay với lãi suất được hỗ trợ thêm 2%...
Thứ hai, phải đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công. Năm ngoái, vốn này chưa đến 30.000 tỉ đồng, năm nay là 43.000 tỉ, do đó phải tập trung tháo gỡ những ách tắc để giải ngân nhanh được nguồn vốn này, bởi số liệu thống kê cho thấy cứ tăng thêm 10% đầu tư công thì GDP của TP sẽ tăng thêm khoảng 0,8%. Vì vậy, cần tốc lực tháo gỡ những tắc nghẽn để triển khai nhanh các dự án và đồng thời rà soát những dự án đang đắp chiếu để mình khôi phục, đẩy nhanh tiến độ hoặc thu hồi những dự án mà chủ đầu tư không triển khai.
Thứ ba, cần đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính minh bạch, xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với DN. Với những điều đó tôi tự tin rằng TP sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, thậm chí vượt qua được con số 6,5%.
Phải chăm chút cho bộ mặt quốc gia
* Thực tế cho thấy có rất nhiều điểm nghẽn tồn tại qua nhiều năm để TP lấy lại vị thế dẫn đầu. Cách nào để phá điểm nghẽn, tạo sự đột phá, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành?
- Có nhiều điểm nghẽn của TP về hạ tầng, đất đai, giao thông, cơ chế... bị đóng băng lâu nay. Do đó đây là thời điểm mà trung ương phải cùng với TP tháo gỡ các điểm nghẽn này, sai phạm ở đâu, xử lý ở đó. Còn lại là phải thúc đẩy các dự án triển khai, tránh việc để lâu gây lãng phí, ảnh hưởng đến niềm tin ở dân.
Còn đối với việc thúc đẩy sự sáng tạo của cán bộ, theo tôi, phải cụ thể hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị trong việc bảo vệ cán bộ, trong đó có 4 cái dám là "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung". Phải cụ thể hóa bằng những quy định rõ ràng để bảo vệ cán bộ mới thúc đẩy được sự mạnh dạn của cán bộ, tạo nền tảng để cán bộ đột phá, mạnh dạn suy nghĩ, đổi mới, tìm ra cách làm mới nhưng trên tinh thần là vì lợi ích chung. Khi họ được tổ chức bảo vệ thì chúng ta mới có điều kiện tháo được những điểm nghẽn hiện nay chứ chỉ trông chờ vào sửa đổi luật pháp thì lâu lắm.
* Thực ra vị trí đầu tàu kinh tế vốn dĩ thuộc về TP.HCM trong thời gian dài. Theo ông, cần làm gì nữa để đầu tàu này trở thành một biểu tượng?
- Với vai trò đặc biệt quan trọng, TP phải đặt mình trong bối cảnh cạnh tranh, sánh vai với các TP khác trong khu vực, ví dụ phải so sánh với Bắc Kinh, Tokyo, Jakarta, Bangkok... Bản thân TP.HCM vốn dĩ là đầu tàu của cả nước, lúc TP suy giảm vẫn là địa phương đóng góp nhiều nhất vào GDP, tổng thu ngân sách của cả nước (trên 368.000 tỉ đồng, chiếm 25 - 27%). Do đó, tôi cho rằng trung ương phải xem TP.HCM là bộ mặt quốc gia, cùng với Hà Nội. Giống như chúng ta lựa chọn người đẹp hoa hậu đi thi đấu quốc tế, chúng ta phải chăm chút cho sắc đẹp, hình thể và nâng cao trí tuệ.
Đối với cạnh tranh quốc tế về bộ mặt quốc gia cũng vậy, chúng ta phải đầu tư tối đa về tài chính, thể chế và cơ chế để đô thị đó phát triển nhanh, bền vững, nổi bật lên thì vừa đẹp bộ mặt quốc gia, vừa "lấy điểm" trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nếu TP.HCM bứt phá lên, cạnh tranh được với các đô thị trong khu vực thì những gì mà chúng ta bỏ ra đầu tư sẽ thu lại những kết quả không chỉ bây giờ mà còn lâu dài, chúng ta sẽ có cơ hội để lựa chọn được những nhà đầu tư chất lượng, kéo theo nền kinh tế bứt phá.
Còn lại, phải rà soát những quy định liên quan các công tác đấu thầu, bài học từ đấu thầu đất tại Thủ Thiêm, từ đó kiến nghị Quốc hội cần phải sửa đổi điều gì, cần bổ sung điều khoản nào để đảm bảo quá trình đấu thầu diễn ra một cách suôn sẻ để tránh những cái đổ vỡ trong đấu thầu vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận