TP.HCM: Có thành phố Thủ Đức thị trường bất động sản năm 2021 ra sao?
Nhiều chuyên gia nhận định, sau khi thành phố Thủ Đức được thành lập, thị trường BĐS TP.HCM từ năm 2021 sẽ khởi sắc và tăng trưởng mạnh...
Năm 2020 đầy ảm đạm
Chỉ còn ít giờ nữa là năm 2020 sẽ kết thúc với nhiều biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, trong đó có TP.HCM do ảnh hưởng của dịch Covid – 19.
Bước sang năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2021 – 2025, đi kèm với đó là việc thành lập thành phố Thủ Đức cũng như nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực kinh doanh BĐS có hiệu lực là những yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản khu vực này phát triển bền vững hơn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nếu năm 2018 trên địa bàn TP.HCM có 122 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án thì đến năm 2019 giảm còn 22 dự án và 6 tháng đầu năm 2020 chỉ có 20 dự án.
Tương tự, năm 2017 có 69 dự án được cấp phép xây dựng nhưng đến năm 2018 giảm còn 53 dự án và xuống 24 dự án trong năm 2019, thậm chí chỉ có 13 dự án trong 6 tháng đầu năm 2020.
Nguồn thu tiền sử dụng đất liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm 2020, TP.HCM chỉ thu được 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 3 năm qua, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư bị thua thiệt nhiều nhất, vì giảm cơ hội tạo lập nhà.
"Nhiều doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ đã "yếu thế" lại càng thêm "yếu thế" hơn so với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Cùng đó, xuất hiện một số đợt "sốt ảo" giá đất nông nghiệp, giá đất nền và gia tăng tình trạng phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật.
Thị trường BĐS TP.HCM vẫn thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch nhưng lại thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp", Chủ tịch HoREA nhận định.
Mặc dù thị trường BĐS TP.HCM đang gặp phải nhiều khó khăn chồng chất nhưng theo các chuyên gia, thị trường có khả năng tự phục hồi trở lại mạnh mẽ ngay sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19 gắn với việc tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, thực thi pháp luật.
BĐS TP.HCM khởi sắc khi có thành phố Thủ Đức
Hiệp hội BĐS TP.HCM dự đoán, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu và cả năm 2021, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19.
Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Trong khi đó, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đang theo diễn biến tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn với những lực gia tốc mới như việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Việc chuyển đổi 4/5 huyện thành quận trong 10 năm tới; trong đó, huyện Cần Giờ dự kiến sẽ trở thành đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường.
Giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM quyết tâm đạt 50 triệu m2 tổng diện tích nhà ở xây dựng mới, đến cuối năm 2025 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người.
Cũng vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2021; trong đó, đặt ra chỉ tiêu năm 2021 xây dựng mới 8 triệu m2 diện tích nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,04 m2/người, đến năm 2030 đạt 26,5m2/người.
Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng đề án phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 với định hướng phát triển nhà ở gắn liền với chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại là chủ yếu để sử dụng đất hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe.
Tỷ lệ nhà ở chung cư tăng trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới; khuyến khích bằng cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội.
Chỉ tiêu phát triển nhà ở tăng thêm theo loại hình. Dự kiến giai đoạn 2021-2030 sẽ phát triển 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, 45,2 triệu m2 sàn nhà ở thương mại và 59,2 triệu m2 sàn nhà ở do người dân tự xây.
Dự báo, giai đoạn 2021-2030 thành phố cần 149,4 triệu m2 sàn xây dựng; trong đó, năm 2025 tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội đạt 20,13 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho 1,047 triệu người.
Theo ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam, dịch Covid-19 là cơ hội để thị trường BĐS tái cấu trúc một cách sâu rộng. Cụ thể, khu Đông của TP.HCM sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư và người mua nhà để ở nhất là khi thành phố Thủ Đức vừa được thành lập trên cơ sở sát nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức lại. Dự kiến tại khu vực này, đến năm 2025 sẽ cung cấp ra thị trường 198.000 căn hộ.
Những kỳ vọng và khả năng thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, sự thay đổi nhiều chính sách liên quan đến đất đai, xây dựng cũng như sự tăng trưởng kinh tế và nhiều quy hoạch đô thị trọng điểm đang gấp rút được triển khai sẽ tạo đà cho thị trường BĐS TP.HCM phục hồi, phát triển, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần quan trọng vào quá trình chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận