24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TP.HCM bắt hơn 140 tấn đường cát lậu trị giá 2 tỷ đồng

Hơn 140 tấn đường cát không rõ nguồn gốc được chở trên 3 xe tải và container từ Bình Dương, Đồng Nai lên TP.HCM đang chờ chờ giao nhận thì bị lực lượng chức năng TP.HCM phát hiện và thu giữ.

Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT TP.HCM phối hợp với Công an TP.HCM mới đây phát hiện 3 xe tải và container đang đậu ở quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, TP.HCM có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra.

Theo đó, khi kiểm tra một chiếc xe tải đậu trong bãi xe trên đường Nguyễn Thị Sóc (huyện Hóc Môn), lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe đang chở hơn 40 tấn đường cát không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu. Các bao đường có trọng lượng 50kg được in dòng chữ Erawan Sugar, sản xuất tại Thái Lan.

Tài xế chiếc xe tải nói trên cũng không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan đến lô hàng.

Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng kiểm tra một xe container đậu trên đường số 48, khu dân cư Tên Lửa (quận Bình Tân) và kiểm tra một xe tải tại bãi xe 39 (quốc lộ 1A, quận Bình Tân), cả hai chiếc xe đều chở đường cát không rõ nguồn gốc. Tổng trọng lượng đường chở trên 2 xe này là khoảng 100 tấn.

Theo các tài xế chở hàng vi phạm, hơn 140 tấn đường cát nói trên được chở từ tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lên TP.HCM. Đường cát được tập kết tại các bãi xe ở thành phố, sau đó sẽ có người đến nhận hàng. Ước tính ban đầu, tổng trị giá lô hàng khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Hiện lực lượng QLTT TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an TP.HCM tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để điều tra làm rõ.

Theo Tổng cục QLTT, đường cát nhập lậu có giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước, do đó nhiều đối tượng đã tìm nhiều cách để qua mặt lực lượng chức năng nhập lậu đường từ các nước trong khu vực, chủ yếu là từ Thái Lan qua đường biên giới Campuchia vào trong nước để bán kiếm lời. Điều này đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ đường cát nhập lậu. Trong đó có những vụ lên đến hàng trăm tấn, thậm chí hàng nghìn tấn.

Điển hình vào tháng 10/2020, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển 2.000 bao đường cát trắng nhãn hiệu nước ngoài, tương đương 100 tấn từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam, thu giữ gần 1.000 tấn đường.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đường nhập lậu vào Việt Nam bắt đầu được ghi nhận từ năm 1999. Đường nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan, vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam giữa nước ta với Campuchia.

Vì là đường lậu, nên không thể có số liệu chính thức. Nhưng theo số liệu thống kê của Tổ chức Đường quốc tế (ISO) từ 2008 - 2019, mỗi năm, ước tính được lượng đường nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới với Campuchia từ 100.000 - 749.805 tấn, qua biên giới với Lào từ 120.000 - 268.503 tấn đường. Tính chung cả 2 nguồn đường xuất khẩu không rõ nguồn gốc của Campuchia và Lào, từ 2008 - 2019, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam hàng năm ước tính từ 100.000 - 890.661 tấn.

Trong đó, 5 năm gần đây (2015 - 2019), lượng đường nhập lậu ước tính đã tăng đột biến lên mức từ 490.000 - 890.000 tấn/năm, tương đương với từ 30% đến trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước.

Ngoài 2 con đường nhập lậu chính qua biên giới đường bộ với Campuchia và Lào, gần đây còn xuất hiện thêm một “con đường nhập lậu mới” từ nguồn đường tạm nhập tái xuất ở các cảng, cửa khẩu.

Cũng theo thông tin từ VSSA, đầu năm 2021, đường nhập lậu tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam bất chấp mức độ kiểm soát đường biên giới gia tăng để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Lượng đường nhập lậu này khi tràn về các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM đã cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần của các nhà máy mía đường trong nước.

*****

Tháng 3/3021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước; áp dụng biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng sirô ngô và các chất tạo ngọt khác; tăng cường chống buôn lậu đường, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả