Toyota giảm 40% sản lượng toàn cầu tháng 9 do thiếu chip và dịch bệnh
Toyota sẽ chỉ sản xuất 500.000 xe trên toàn cầu trong tháng 9, giảm 40% so với kế hoạch, do thiếu chip và biến thể Delta lan khắp Đông Nam Á.
Trong kế hoạch mới nhất hồi tháng 7, hãng ô tô Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất gần 900.000 xe cho tháng 9. Ngoài tác động của khủng hoảng chip trên toàn cầu, dịch bệnh tại Đông Nam Á khiến việc mua sắm phụ tùng gặp nhiều khó khăn, theo Nikkei Asia.
Toyota sẽ tạm ngừng các dây chuyền sản xuất tại nhiều nhà máy ở Nhật Bản, trong đó có nhà máy Takaoka ở tỉnh Aichi, bắt đầu từ đầu tháng tới. Sản xuất ở Bắc Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu có thể sẽ bị cắt giảm hàng chục nghìn xe.
Các động thái trên sẽ khiến sản lượng toàn cầu của Toyota trong tháng 9 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm nhu cầu bắt đầu phục hồi từ giai đoạn đầu của đại dịch và Toyota đã sản xuất 840.000 chiếc.
Toyota từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 tạm dừng dây chuyền lắp ráp tại một số nhà máy ở Aichi, trong đó có nhà máy Tahara, do sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam khiến nguồn cung ứng gặp khó khăn. Công ty cũng tạm ngừng một số dây chuyền sản xuất tại nhà máy Takaoka đầu tháng này do thiếu chip.
Hãng ô tô “đồng hương” Nissan Motor cũng tạm dừng một nhà máy lắp ráp ở Mỹ từ thứ Hai do thiếu chip, bắt nguồn từ tình trạng dịch bệnh gia tăng ở Malaysia, Nikkei Asia đưa tin tuần trước.
Nhà máy Smyrna của Nissan ở Tennessee sản xuất xe điện Leaf và Rogue SUV. Nhà máy này dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 30 tháng 8, nhưng thời gian có thể thay đổi tùy thuộc vào nguồn cung chip.
Việc ngừng sản xuất hai tuần được dự báo sẽ khiến hàng chục nghìn chiếc ô tô không ra đời. Các nhà máy khác ở bang Mississippi của Mỹ và ở Mexico sẽ vẫn hoạt động.
Nguồn cung chất bán dẫn của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ bắt đầu cải thiện đầu năm nay, nhưng chuỗi cung ứng một lần nữa bị gián đoạn do dịch bệnh ở Malaysia.
“Nhiều nhà cung cấp đang gia công chất bán dẫn ở Malaysia. Tình hình dịch bệnh ở nước này đang ảnh hưởng đến nguồn cung ứng toàn cầu”, lãnh đạo một hãng ô tô nói với Nikkei Asia.
General Motors hồi đầu tháng bắt đầu điều chỉnh hoạt động sản xuất xe bán tải tại ba nhà máy ở Bắc Mỹ.
Toyota Motor và Honda Motor cũng có các nhà máy chưa hoạt động hết công suất, mặc dù họ không có kế hoạch ngừng hoạt động quy mô lớn.
Trong những khoảng thời gian khác nhau của tháng 7 và sang đầu tháng 8, Ford ngừng hoạt động hoặc giảm sản lượng ở tám nhà máy, trong đó có sáu ở Mỹ, do thiếu chip. Đợt cắt giảm này là đợt mới nhất đối với Ford. Hãng này đầu năm nay cho biết dự kiến sẽ mất 2,5 tỷ USD thu nhập cả năm do khoảng 1,1 triệu xe không sản xuất được.
Toyota Motor ghi nhận lợi nhuận ròng 897,8 tỷ yên (8,2 tỷ USD) trong quý 1 năm tài chính mới, tính từ tháng 4 đến tháng 6, do doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ và Trung Quốc đạt mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, tập đoàn vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng cho cả năm, tính đến tháng 3/2022, ở mức 2,3 nghìn tỷ yên (20,97 tỷ USD) do ước tính chi phí nguyên liệu thô sẽ tăng và những khó khăn khác.
Toyota bán được 5 triệu xe trong sáu tháng đầu năm, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,5% so với cùng kỳ 2019, chủ yếu nhờ thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Highlander và các xe tải hạng nhẹ khác, Camry và các dòng sedan khác được người mua Bắc Mỹ ưa chuộng. Tại Trung Quốc, các mẫu xe Corolla và Lexus đang có doanh số tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận