Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Dòng tiền tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu riêng lẻ
Thị trường trải qua tuần giao dịch khá ảm đạm và buồn tẻ. Dòng tiền không rõ xu hướng do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và điểm sáng chỉ lác đác tại một vài cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện riêng, trong khi đó, một số cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc đã bị bán tháo mạnh.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 4,01 điểm (+0,38%), lên 1.059,31 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 12,2% so với tuần trước xuống 43.161 tỷ đồng, khối lượng giảm 2,9% xuống 2.513 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 1,45 điểm (+0,7%), lên 209,95 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,9% lên 4.851 tỷ đồng, khối lượng tăng 11% lên 314 triệu cổ phiếu.
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí thêm một tuần có sự đồng thuận tốt với PLX (+0,8%), BSR (+0,6%), OIL (+3,4%), PVD (+8,6%), PVS (+9,2%), PVB (+4,1%), PVC (+6,5%), CNG (+2,5%), PSH (+7,5%) …
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với các cổ phiếu như MWG (+2,7%), FRT (+3,2%), PET (+1,4%) ...
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu duy trì sức hút, với các cổ phiếu thép HPG (+2,4%), HSG (+7,6%), NKG (+12,6%), SMC (+6,1%), TLH (+4,6%).
Tuần qua, cổ phiếu ST8 có mức tăng mạnh nhất trên sàn HOSE và giá cổ phiếu đã trở lại mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022.
Trong năm 2023 này, ST8 có một loạt động thái thoái vốn của lãnh đạo Công ty và với tổng cộng gần 65% số cổ phiếu được trao tay.
Theo đó, như trong phiên 31/1, bà Phạm Thị Mai Duyên, là vợ của Chủ tịch HĐQT đã bán thỏa thuận gần 10,3 triệu cổ phiếu ST8, tỷ lệ 40%. Cùng ngày, ông David Cam Hao Ong – em ruột Chủ tịch HĐQT, cũng bán hơn 6,4 triệu cổ phiếu ST8, tỷ lệ 24,97%.
Phần còn lại đáng chú ý có hai cổ phiếu liên quan đến đầu tư công LCG và nguyên vật liệu KSB.
Đối với cổ phiếu LCG, khối lượng giao dịch tăng mạnh và liên tục nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy dòng tiền đang trở lại cổ phiếu này.
Cổ phiếu KSB cũng giao dịch tích cực, với chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu mua và MACD đang chuẩn bị cắt lên, điều này cho thấy triển vọng trong ngắn hạn tương đối lạc quan.
Ở chiều ngược lại, nhóm bộ ba cổ phiếu bất động sản lại nổi lên với NVL, PDR và HPX, cùng với đó là hai cổ phiếu nhỏ khác cùng ngành là PTL và MCG.
Trong đó, cổ phiếu MCG đang “lâm nguy”, khi trong diện có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu kết quả kinh doanh là số âm tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022.
Trong BCTC hợp nhất quý IV/2022 tự lập của MCG, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 là âm 84 tỷ đồng. Trong 2 năm trước đó, MCG lỗ ròng 9 tỷ năm 2020 và năm 2021 lỗ ròng 37 tỷ đồng.
Trong tuần vừa qua, cổ phiếu này tiếp tục chuỗi tăng trần trong ba phiên đầu tuần, đưa cổ phiếu lên hơn 1,358 triệu đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu này đã điều chỉnh với phiên giảm hơn 4% sau đó và giảm sàn trong phiên cuối tuần, kéo cổ phiếu xuống còn hơn 1,29 triệu đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản có sự gia tăng, nhưng cũng chỉ trên dưới 5.000 đơn vị trong ba phiên đầu, hơn 11.200 đơn vị khớp lệnh trong phiên thứ Năm và chỉ hơn 1.100 cổ phiếu khớp lệnh trong phiên thứ Sáu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận