Tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đạt 13.43 tỷ USD, giảm 4.3% so với cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13.43 tỷ USD, giảm 4.3% so với cùng kỳ năm trước.
- Vốn đăng ký cấp mới có 1,293 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 6.49 tỷ USD, tăng 71.9% về số dự án và tăng 31.3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5.47 tỷ USD, chiếm 84.3% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 401.9 triệu USD, chiếm 6.2%; các ngành còn lại đạt 616.3 triệu USD, chiếm 9.5%.
Trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1.79 tỷ USD, chiếm 27.6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1.29 tỷ USD, chiếm 19.9%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 773.9 triệu USD, chiếm 11.9%; Đài Loan 543.8 triệu USD, chiếm 8.4%; Nhật Bản 386 triệu USD, chiếm 5.9%.
- Vốn đăng ký điều chỉnh có 632 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) với số vốn đầu tư tăng thêm 2.93 tỷ USD, giảm 57.1% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7.59 tỷ USD, chiếm 80.6% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 592.1 triệu USD, chiếm 6.3%; các ngành còn lại đạt 1.24 tỷ USD, chiếm 13.1%.
- Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1,594 lượt dự án với tổng giá trị góp vốn 4.01 tỷ USD, tăng 76.8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 626 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1.32 tỷ USD và 968 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2.69 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1.53 tỷ USD, chiếm 38.2% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 938.6 triệu USD, chiếm 23.4%; ngành còn lại 1.54 tỷ USD, chiếm 38.4%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10.02 tỷ USD, tăng 0.5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8.18 tỷ USD, chiếm 81.6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 696.2 triệu USD, chiếm 6.9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 502.1 triệu USD, chiếm 5%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 147 triệu USD, giảm 51.2% so với cùng kỳ năm trước; có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 173.7 triệu USD, gấp 3.9 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320.6 triệu USD, giảm 7.3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 147.8 triệu USD, chiếm 46.1%; thông tin và truyền thông đạt 109.3 triệu USD, chiếm 34.1% tổng vốn đầu tư; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 15.6 triệu USD, chiếm 4.9%; các ngành còn lại đạt 47.9 triệu USD, chiếm 14.9%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Canađa là nước dẫn đầu với 150.2 triệu USD, chiếm 46.9% tổng vốn đăng ký; Singapore 109 triệu USD, chiếm 34%; Lào 26.3 triệu USD, chiếm 8.2%; Cu-ba 11.8 triệu USD, chiếm 3.6%; I-xa-ren 6.1 triệu USD, chiếm 1.9%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận