Tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm 2020 đổ vào Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2020 đạt gần 15,7 tỷ USD.
Theo đó, số liệu của Tổng Cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn từ 2011-2020. Quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%.
Về việc sử dụng GDP quý II/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 2,30%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,67%. GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 154,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1% kế hoạch năm và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 33,8% và tăng 4,2%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,1% kế hoạch năm và tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 130,3 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% và tăng 15%, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% và tăng 13,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, bằng 36,1% và tăng 17,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3% và tăng 22,9%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, giảm 17,7% về số dự án và tăng 13,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 526 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,7 tỷ USD, tăng 26,8%; có 4.125 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,5 tỷ USD, giảm 56,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 866 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,6 tỷ USD và 3.259 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,9 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 15,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 634,3 triệu USD, chiếm 7,3%.
Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4,3 tỷ USD, chiếm 51,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 950,1 triệu USD, chiếm 11,3%; Đài Loan 775,2 triệu USD, chiếm 9,2%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 770,8 triệu USD, chiếm 9,1%; Hàn Quốc 544,8 triệu USD, chiếm 6,5%; Nhật Bản 323,6 triệu USD, chiếm 3,8%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 137,5 triệu USD, chiếm 1,6%; Thái Lan 134,6 triệu USD, chiếm 1,6%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận