Tổng thống Trump "mất nhiều hơn được" nếu kéo dài căng thẳng với Iran
Mạng tin Middle East Monitor vừa đăng bài phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump mới chính là người sẽ rơi vào tình thế "mất nhiều hơn được" nếu tiếp tục kéo dài căng thẳng và đối đầu với Iran.
Theo nội dung bài viết, chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm vào Iran bắt đầu được Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động sau khi ông chủ Nhà Trắng quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran hồi tháng 5/2018.
Trong hơn một năm qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục bị đẩy lên những nấc thang mới sau khi Washington tăng cường lực lượng và củng cố sức mạnh quân sự ở Trung Đông và gần đây là vụ Iran bắn hạ một máy bay không người lái của quân đội Mỹ.
Bất chấp nhiều nỗ lực ngoại giao và sáng kiến hòa giải từ nhiều phía, căng thẳng Mỹ-Iran sẽ rất khó có thể lắng dịu và chắc chắn vẫn tồn tại âm ỉ. Dù cuộc chiến giữa Washington và Tehran có nổ ra hay không, thì áp lực tối đa mà Mỹ nhằm vào Iran cũng sẽ gây ra những hậu quả khó lường đối với cường quốc số một thế giới này.
Động lực chính đằng sau việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là nhằm gây áp lực buộc Iran phải tuân theo chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Yêu cầu 12 điểm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rõ ràng hướng tới một sự thay đổi chế độ ở Tehran (dù Washington phủ nhận điều đó) và định hướng lại chính sách đối ngoại của Iran khỏi các mưu đồ chống Mỹ. Kết quả thật dễ dự đoán khi Iran sẽ không bao giờ chấp nhận những yêu cầu đó, song Tổng thống Trump đã lựa chọn một chính sách có độ rủi ro cao để buộc Iran phải tuân thủ "cuộc chơi" của mình.
Washington đã sử dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có gây áp lực đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, vốn là nguồn thu chính của nước Cộng hòa Hồi giáo này, và qua đó gây sức ép kinh tế rất lớn lên Chính phủ Iran. Mỹ cũng quyết định trừng phạt Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Iran cho biết những động thái gây căng thẳng của Mỹ đã đóng sập cánh cửa ngoại giao với Tehran, đồng thời Đại giáo chủ Khamenei đã bác bỏ khả năng đàm phán trực tiếp với Mỹ và gọi đó là "âm mưu lừa gạt" để tước đoạt quyền lực của Iran.
Chính việc Iran từ chối đàm phán với Mỹ đã khiến chính sách gây sức ép của Tổng thống Trump rơi vào "ngõ cụt". Trong khi đó, ông chủ Nhà Trắng cũng có những hành động mang tính "vừa đấm vừa xoa", khi một mặt sẵn sàng đề nghị đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết với Tehran, trong khi vẫn lớn tiếng đe dọa sẽ xóa sổ Iran.
Thế khó của ông Trump là những thách thức trong việc xây dựng một liên minh toàn cầu để chống lại Iran. Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu của Mỹ, ngoại trừ Anh, đã từ chối ủng hộ những nỗ lực chống Tehran của Washington.
Trong một cuộc họp gần đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ), Pháp đã cảnh báo Mỹ không được kéo liên minh này vào các nhiệm vụ quân sự chống Iran. Trên bình diện Trung Đông, chỉ có hai đồng minh thân cận của Washington ở vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thể hiện quan điểm công khai ủng hộ Mỹ.
Sách lược của ông Trump hiện tại có lẽ là "chờ đợi và quan sát" những động tĩnh tiếp theo của Iran. Nhưng đối với Iran, chính sách ưu tiên của nước này là tiếp tục đẩy lùi những sức ép, tìm cách buộc Mỹ tái thực thi những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Iran chắc chắn không muốn cuộc "chiến tranh kinh tế" mà Mỹ đang triển khai sẽ tiếp diễn vì đó thực sự sẽ là thảm họa đối với chính Tehran. Sau khi ông Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, đồng nội tệ của Iran đã mất 2/3 giá trị, trong khi tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên 40% và nền kinh tế được dự báo sẽ sụt giảm 6% trong tài khóa hiện tại. Khả năng ông Trump tái đắc cử Tổng thống vào năm 2020 cũng là mối quan ngại lớn của chính quyền Tehran.
Trong trường hợp nổ ra xung đột với Iran, hỏa lực áp đảo của Mỹ có thể chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu, song Iran và các đồng minh khu vực sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực trong một thời gian dài. Các tên lửa của phong trào vũ trang Hezbollah đã sẵn sàng nhắm vào Israel, hay các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq cũng sẽ không ngần ngại nhắm vào căn cứ quân sự của Mỹ ở quốc gia này.
Theo báo cáo, một số cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô nhỏ nhằm vào các đơn vị quân đội Mỹ đã diễn ra ở Iraq thời gian gần đây. Bên cạnh đó, các lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan cũng sẽ là mục tiêu mà các đồng minh của Iran hướng tới nếu kịch bản xung đột quân sự xảy ra.
Những hậu quả kinh tế của cuộc chiến này có thể tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Iran có khả năng đóng cửa Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng vận chuyển dầu mỏ từ vùng Vịnh ra thế giới. Giá dầu được dự báo sẽ tăng lên hơn 250 USD/thùng. Các cuộc tấn công gần đây nhằm vào hai tàu chở dầu ngoài khơi Vịnh Oman đã nhanh chóng đẩy giá dầu tăng 10%.
Giá dầu tăng đột biến sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ và kéo theo sự suy giảm của nền kinh tế. Điều tương tự từng xảy ra đối với thị trường dầu mỏ khi Saudi Arabia và các đồng minh áp dụng cấm vận dầu mỏ đối với các nước ủng hộ Israel giai đoạn năm 1973-1974, cuộc Cách mạng Iran năm 1979 và hay cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990.
Ngay cả khi không xảy ra chiến tranh, Mỹ và Iran có thể vẫn duy trì và theo đuổi lập trường cứng rắn. Chính sách gây áp lực tối đa của Tổng thống Trump đang tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm tàng đối với uy tín của Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush phát
động đã tạo ra những "vết lõm" nghiêm trọng trong niềm tin của cộng đồng thế giới vào Washington. Tương tự, các chiến lược "mạnh tay" của ông Trump cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế e dè. Mặt khác, sự kiên định của Iran trước những sức ép của Mỹ đã làm giảm đáng kể chính sách đe dọa của Washington. Các quốc gia khác có quan điểm chống Washington có thể càng được củng cố niềm tin để đương đầu với Mỹ.
Một số nhà quan sát còn cho rằng quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh vùng Vịnh cũng đang đứng trước nguy cơ rạn nứt mới. Cho đến nay, Mỹ vẫn duy trì cam kết về an ninh đối với các đồng minh khu vực của mình trước các mối đe dọa của Iran, nhưng giờ họ đã phần nào cảm thấy thất vọng khi Tehran bắn hạ thành công một máy bay không người lái công nghệ cao của Mỹ. Phía sau câu chuyện này, Riyadh và Abu Dhabi có thể coi các cam kết quốc phòng của Mỹ là "sáo rỗng" và sẽ bí mật xây dựng những mối quan hệ hợp tác quốc phòng khác.
Hơn hết, các đối thủ toàn cầu của Mỹ là Trung Quốc và Nga rất muốn khai thác sự leo thang trong quan hệ Iran - Mỹ. Mỹ càng gây áp lực với Iran, người Iran sẽ càng hướng về Moskva và Bắc Kinh để được hỗ trợ. Cả ba quốc gia này cùng có lợi ích chung và mong muốn kiềm chế vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ.
Bất chấp những khác biệt về chiến lược, Iran là một "nút thắt" quan trọng trong chiến lược Syria của Nga. Với Trung Quốc, Iran là một đối tác tiềm năng trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh. Nga và Trung Quốc chắc chắn không muốn chứng kiến Mỹ kiểm soát Iran cũng như nguồn dầu mỏ phong phú của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trong mọi kịch bản, ông Trump sẽ "mất nhiều hơn được" nếu kéo dài thế bế tắc với Iran./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận