Tổng thống Trump ký luật về Hồng Kông, đàm phán Mỹ-Trung sẽ ra sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký thông qua hai đạo luật ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, một diễn biến có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán Mỹ-Trung khi cả hai bên đang tiến gần đến mục tiêu ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Trung Quốc dọa “trả đũa cứng rắn”
Hôm 28-11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cảnh báo Trung Quốc sẵn sàng “đáp trả cứng rắn” Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump ký thông qua hai đạo luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, Terry Branstad, để chỉ trích động thái ký các đạo luật này là “can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế”.
Hôm trước đó, ông Trump ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông (HKHRDA), trong đó yêu cầu hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá và chứng nhận xem “mô hình một nước, hai chế độ” có bảo đảm giúp duy trì một hệ thống pháp lý độc lập và các quyền tự do dân sự ở Hồng Kông hay không.
Dựa trên sự chứng nhận đó, Mỹ sẽ quyết định có tiếp tục cho phép Hồng Kông được hưởng quy chế thương mại ưu đãi hay không. Điều này có nghĩa Hồng Kông có nguy cơ bị tước bỏ quy chế thương mại ưu đãi, nếu không Mỹ được xác nhận quyền tự quyết nhất định trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhờ quy chế này, Hồng Kông không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp áp thuế mà Mỹ áp vào hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 16 tháng qua.
Đạo luật HKHRDA cũng cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế đi lại đối với quan chức Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông. Trước đó, đạo luật này được lưỡng viện Quốc hội Mỹ với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (chỉ một phiếu chống ở Hạ viện).
Theo luật Mỹ, nếu có ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ, Quốc hội Mỹ có quyền bác bỏ quyết định phủ quyết của tổng thống đối với một đạo luật. Điều này đặt Tổng thống Trump vào thế buộc phải ký thông qua đạo luật HKHRDA vì nếu ông phủ quyết nó, Quốc hội Mỹ cũng sẽ bác bỏ quyết định này của ông.
Cùng ngày, Tổng thống Trump cũng ký thông qua một đạo luật cấm các công ty Mỹ bán các công cụ kiểm soát đám đông chẳng hạn như đạn cao su, đạn hơi cay hay súng gây tê cho các lực lượng an ninh Hồng Kông.
Hai đạo luật được thúc đẩy sau khi Hồng Kông chìm trong các cuộc biểu tình kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng và chỉ mới tạm lắng trong những ngày gần đây. Ban đầu, người dân xuống đường để phản đối một dự luật dẫn độ gây tranh cãi, có thể cho phép dẫn độ các nghi phạm ở Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Sau đó, người biểu tình đưa ra nhiều yêu cầu khác bao gồm mở rộng các quyền dân chủ, tiến hành điều tra các cáo buộc cảnh sát sử dụng bạo lực quá mức, trưởng đặc khu phải từ chức...
Không ảnh hưởng lớn đến đàm phán thương mại
Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật HKHRDA, các trợ lý của Tổng thống Trump đã tranh luận về việc liệu các nỗ lực đàm phán thương mại với Trung Quốc có bị tổn hại nếu ông Trump ký đạo luật. Cuối cùng, đa số họ đề xuất tổng thống ký đạo luật.
Trong tuyên bố về việc ký hai đạo luật trên, Tổng thống Trump tỏ ý rằng ông không muốn mối quan hệ với Trung Quốc sẽ đi chệch hướng. Ông bày tỏ lo ngại một số điều khoản trong hai đạo luật mới có thể cản trở thẩm quyền hiến pháp của ông trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông cho biết sẽ sử dụng điều khoản này phù hợp với thẩm quyền trong chính sách đối ngoại.
“Tôi ký các luật này với sự tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hồng Kông. Chúng được ban hành với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có thể giải quyết ôn hòa các bất đồng để hướng tới hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả”, ông Trump cho biết.
Giờ đây, giới đầu tư và phân tích đang quan sát xem có dấu hiệu nào cho thấy động thái ký thông qua các đạo luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông của Tổng thống Trump cản trở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến đến ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một hay không. Cả Tổng thống Donald Trump lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình đều đang muốn đạt được thỏa thuận này để chấm dứt cuộc đối đầu thương mại đang gây tổn thương ngày càng lớn cho nền kinh tế của mỗi bên.
David Zweig, Giáo sư danh dự ở Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kông đồng thời là Giám đốc Công ty tư vấn Transnational China Consulting, nói: “Đây không phải là một thách thức lớn đối với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung mà chỉ là một bước leo thang mới trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung... Tôi cho rằng ông Tập Cận Bình muốn đạt được thỏa thuận thương mại”.
Evan S. Medeiros, Giáo sư ở Đại học Georgetown (Mỹ) và là cựu giám đốc phụ trách khu vực châu Á ở Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định ông Trump ký thông qua đạo luật HKHRDA vì nhận thấy rằng điều này sẽ giúp ông củng cố hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc trong mắt cử tri Mỹ mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Ông nói: “Ký thông qua đạo luật HKHRDA là một tín hiệu quan trọng giữa lúc hai nước đang đàm phán thương mại nhưng đây là động thái không phải nằm ngoài dự báo khi mà Quốc hội Mỹ đã ủng hộ đạo luật này ở mức gần tuyệt đối. Câu hỏi đặt ra là tổng thống sẽ sử dụng các quyền lực mới trong đạo luật như thế nào. Có lẽ động thái này nên được xem như là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đàm phán thương mại Mỹ-Trung về cơ bản đã hoàn tất”.
Hôm 28-11, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, Cao Phong, cho biết các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ và cùng làm việc để hướng đến thỏa thuận giai đoạn một.
Theo Bloomberg, CNBC, NY Times
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận