Tổng thống Thụy Sĩ đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam
Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam và khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Ngày 3/7, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới chào xã giao và có cuộc hội kiến với Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 29 tại thành phố Basel, Thụy Sĩ, từ ngày 3-7/7.
Phóng viên TTXVN đưa tin từ thủ đô Bern cho biết tại cuộc hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer ở Bern, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ vui mừng được thăm lại đất nước Thụy Sĩ tươi đẹp và thịnh vượng nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu.
Phó Chủ tịch nước cũng chuyển lời hỏi thăm và lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mời Ngài Tổng thống Thụy Sĩ thăm chính thức Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ; bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, giáo dục đào tạo, hợp tác phát triển.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước cảm ơn Thụy Sĩ đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao kỷ lục như vậy thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Việt Nam mong muốn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Thụy Sĩ về công việc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các quan chức Liên bang Thụy Sĩ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Về phần mình, Tổng thống Ueli Maurer đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, chúc mừng Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Tổng thống Thụy Sĩ hoan nghênh Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 29 được tổ chức tại Thụy Sĩ.
Tổng thống khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế mà hai bên là thành viên.
Khẳng định Thụy Sĩ là đối tác thương mại-đầu tư và hợp tác phát triển quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch...
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao nhằm tạo động lực thường xuyên thúc đẩy quan hệ hai nước; phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin; trao đổi về tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên chủ chốt.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của cả hai bên nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách trong các vấn đề còn khác biệt và đề nghị, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin, hai bên sẽ tích cực trao đổi vấn đề này. Hai bên bày tỏ mong muốn Hiệp định sớm được ký kết để tạo đột phá trong quan hệ thương mại đầu tư hai nước.
Đánh giá cao những đóng góp tích cực của Thụy Sĩ vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên nhất trí phối hợp để bảo đảm thượng tôn pháp luật trên thế giới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận