Tổng thống Putin: Tất nhiên không muốn có chiến tranh ở châu Âu
Tổng thống Nga Putin khẳng định không muốn có chiến tranh ở châu Âu nhưng vẫn thấy NATO như đang “ở ngay trước cửa” và mong muốn phương Tây “lắng nghe".
Trong họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Tất nhiên chúng tôi không muốn có chiến tranh ở châu Âu”. Ông nói đó là lý do quá trình đối thoại đang diễn ra.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh các cuộc đàm phán cần đạt được kết quả là thỏa thuận bình đẳng về an ninh. Ông Putin cho biết sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại về tên lửa cũng như những vấn đề khác. Tuy nhiên, mọi sự cưỡng ép đối với Nga sẽ đều bị xem là mối đe dọa.
Lãnh đạo Đức, Nga họp báo chung sau khi kết thúc hội đàm. (Ảnh: Sky News)
Ông Putin nói đã cố gắng đưa ra những đề xuất để hòa giải với Ukraine nhưng những gì ông đưa ra “chưa được chuyển thành hành động”, và các đề xuất an ninh của Nga chưa được đáp lại "một cách xây dựng". Nga thấy NATO như đang “ở ngay trước cửa” và mong muốn phương Tây “lắng nghe".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Scholz nói những gì đang diễn ra là “khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong một thời gian dài”.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh việc giảm leo thang là rất cần thiết, các bên “vẫn chưa hết giải pháp ngoại giao” và sẽ “làm việc để hướng tới cách giải quyết hòa bình”.
Ông nhận định việc Nga rút một số binh sĩ là dấu hiệu tốt và mong muốn tình hình không đi đến bế tắc. “Chúng tôi đã chuẩn bị để thảo luận về các bước đi rất cụ thể nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh", ông nói thêm.
Cuộc gặp của Thủ tướng Scholz và Tổng thống Putin diễn ra một ngày sau khi ông Scholz tới Kiev để thể hiện sự ủng hộ Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Trong khi đó, tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có chuyến thăm Nga.
Tổng thống Nga nói rằng vấn đề năng lượng cũng được đưa vào chương trình nghị sự.
Điện Kremlin trước đó xác nhận đã rút một số lực lượng quân đội Nga khỏi biên giới Ukraine, nhưng cho biết hành động này đã được lên kế hoạch từ trước và Nga vẫn sẽ tiếp tục điều động binh sĩ khi thấy phù hợp. Các nước phương Tây cũng phản ứng thận trọng và kêu gọi Nga rút toàn bộ số quân còn lại để thực sự cho thấy dấu hiệu giảm căng thẳng.
Mỹ và châu Âu trong nhiều tuần liên tục cảnh báo việc Nga tăng cường quân đội xung quanh Ukraine và có khả năng tấn công người hàng xóm, dù Moskva phủ nhận. Phương Tây nhấn mạnh bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ phải đối mặt với các hậu quả sâu rộng, trong đó có các lệnh trừng phạt kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận