Tổng thống lẩy Kiều và quan hệ Việt - Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đầy kịch tính, căng thẳng, cho đến giờ này vẫn chưa ngã ngũ. Mọi bàn luận, ủng hộ đã chia làm hai phe, một bên đặt lòng tin vào đương kim Tổng thống Donald Trump, một bên dứt khoát nguyên Phó Tổng thống Joe Biden sẽ đắc cử.
Nhiều người nhắc đến việc ông Joe Biden đã lẩy một câu Kiều với ngụ ý ca ngợi quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển.
Đấy là tại buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên với cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2015. Ông Joe Biden, lúc đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã phát biểu chào mừng rất hân hoan. Trong bài phát biểu, ông đã lẩy một câu trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để nói về quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ đã và đang phát triển hết sức tốt đẹp.
Việt Nam và Mỹ bắt đầu tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, sau một quá trình trao đổi, tiếp xúc nhiều gian nan nhưng đầy thiện chí của việc “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, kéo dài 20 năm. Tuyên bố trước thế giới mối quan hệ đã “tan sương đầu ngõ” để giao thiệp bình thường với nhau vào năm 1995 chính là Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt.
Cho đến nay, kể từ khi đất nước Việt Nam thống nhất, đã có tới 5 lần các Tổng thống Mỹ đến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra từ ngày 16 đến ngày 19/11/2000 với sự hiện diện của chính Tổng thống Bill Clinton. Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón tiếp chân tình và Bill Clinton đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp. Tại buổi chiêu đãi trọng thể do phía Việt Nam tổ chức, Bill Clinton có một bài phát biểu sâu sắc và nhiệt thành. Ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với lịch sử và văn hóa của Việt Nam và Hà Nội, ông nhấn mạnh mối quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh toàn cầu và lẩy một câu Kiểu rất hay để nói về mối quan hệ này: “Như Truyện Kiều đã nói: Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân. Nay những ký ức băng giá về quá khứ giữa hai đất nước chúng ta đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành”.
Tiếp theo, là chuyến thăm của Tổng thống George.W. Bush từ 17 đến 20/11/2006 nhân tham dự Hội nghị APEC 2006. Rồi đến chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama từ 23 đến 25/5/2016. Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam hai lần, từ 10 đến 12/11/2017 nhân tham dự Hội nghị APEC 2017 và từ 26 đến 28/2/2019 nhân cuộc gặp với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Cuộc đến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama còn gây nên một ấn tượng lớn hơn, một tình cảm nồng nhiệt hơn chuyến thăm của Bill Clinton trước đó rất nhiều. Tổng thống B. Obama đã phát biểu với nhân dân Việt Nam, được truyền hình trực tiếp từ Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội. Bài phát biểu bị ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng pháo tay kéo dài của cử tọa tham dự tại chỗ. B. Obama mở đầu bằng lời chào tiếng Việt, kể chuyện ông đi ăn bún chả và cảm giác chưa bao giờ chứng kiến nhiều xe máy đến như vậy trên đường phố Hà Nội. Thậm chí, ông còn nói vui: “Tôi chưa dám thử đi qua đường, nhưng sau này có dịp quay lại, các bạn có thể chỉ cho tôi cách đi qua đường”.
B. Obama cũng nhắc rất nhiều đến lịch sử và văn hóa Việt Nam, đến các danh nhân, từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh… cho đến những nhà khoa học, văn nghệ sỹ Việt Nam thời hiện đại như nhạc sỹ Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Kết thúc bài phát biểu, B. Obama cũng lẩy một câu Kiều để nói về niềm tin và tầm nhìn phía trước: “Hay, nếu tôi có thể nói một cách khác, mượn lời của Truyện Kiều mà các bạn đều biết: Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Việc các Tổng thống Mỹ nhắc đến Truyện Kiều của danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào Nguyễn Du, là thể hiện sự trân trọng và đề cao tự hào văn hóa của người dân Việt Nam. Các bài phát biểu đều rất tự nhiên, nhưng đó là một sự tự nhiên sau khi đã tìm hiểu và chuẩn bị rất kỹ càng.
Khi được hỏi về việc ông Joe Biden lẩy Kiều, ông Bùi Thế Giang (Phó Chủ tịch Hội Việt – Mỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu và Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), người tham gia tổ chức và trực tiếp tháp tùng phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm nước Mỹ năm 2015, đã nói: “Tôi không nghĩ ông Biden thuộc Truyện Kiều, nhưng việc ông Biden lẩy Kiều trong phát biểu chứng tỏ phía Mỹ có những người tham mưu giỏi, thiện chí và lãnh đạo Mỹ cũng có ý chí chính trị, thiện chí và tầm nhìn để chấp nhận ý kiến tham mưu đó”.
Giáo sư Tiến sĩ Peter Zinoman, chuyên ngành sử Việt thuộc khoa Sử của Đại học Berkeley, California, một nhà Việt Nam học người Mỹ, là người đã có những góp ý cho bài diễn văn của Tổng thống B. Obama tại Việt Nam năm 2016. Trong phát biểu của B. Obama có nhắc đến nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và trích dẫn ca từ “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người” trong bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sỹ Văn Cao, chính là từ ý tưởng tham mưu của Giáo sư Tiến sĩ Peter Zinoman. P. Zinoman đã kể về việc, trước chuyến thăm một thời gian, người chịu trách nhiệm soạn thảo phát biểu của B. Obama đã liên hệ với ông, đề nghị ông cho biết ý kiến nên nhắc những gì trong bài phát biểu của Tổng thống với nhân dân Việt Nam. P. Zinoman đã đưa ra đến gần chục gợi ý và hai trong số đó đã được đưa vào diễn văn.
Thế mới biết, sự hấp dẫn, tinh tế và thuyết phục, đi vào lòng người không phải dễ dàng và tự nhiên mà có. Nó phải được chuẩn bị kỹ càng với sự trân trọng và cầu thị lớn.
Các phát biểu của Tổng thống Mỹ với các quốc gia, dù mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng vẫn là kết tinh và không trượt ra ngoài đường lối đối ngoại của nước Mỹ. Vì thế, dù ai là tổng thống, Biden hay Trump, thì với vị thế và vai trò của mình, Việt Nam vẫn là một đối tác quan trọng và được trân trọng của nước Mỹ. Truyện Kiều của Nguyễn Du còn vô cùng nhiều những câu thơ hay, hợp cảnh, hợp tình cho hôm nay và có thể, nó còn nhiều lần được các chính khách thế giới đề cập đến khi đối thoại và chia sẻ với Việt Nam trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận