menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồ Anh Tài

Tổng thống Joe Biden hành động cương quyết, thái độ của Mỹ đối với Trung Đông đã thay đổi

Từ bỏ các căn cứ quân sự lớn ở Trung Đông và chuyển sang 'bố trí phân tán' các căn cứ nhỏ là hướng đi mới của Washington tại khu vực.

Rút quân khỏi Iraq, Afghanistan

Theo Tạp chí The Economist của Anh ngày 27/7, mặc dù quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq phần lớn mang tính biểu tượng, song động thái này phần nào cho thấy sự thay đổi trong thái độ của Washington đối với Trung Đông nói chung.

Khi những quả bom đầu tiên của Mỹ bắt đầu được thả xuống Iraq vào ngày 19/3/2003, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã tiên đoán đây là một cuộc chiến khó khăn.

Ông cảnh báo: “Một chiến dịch trên địa hình khắc nghiệt của một quốc gia rộng lớn tầm cỡ như bang California có thể lâu hơn và khó khăn hơn một số người dự đoán. Và việc giúp đỡ người dân Iraq xây dựng được một đất nước thống nhất, ổn định và tự do sẽ đòi hỏi sự cam kết bền vững của chúng ta”.

Tuy nhiên, ngay cả ông George W. Bush cũng có thể không ngờ rằng, những người lính Mỹ chiến đấu vẫn còn ở lại Iraq 18 năm sau, có những trường hợp cả hai thế hệ bố và con đều tham gia cuộc chiến này.

Kỷ nguyên đó đang dần kết thúc. Ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng sứ mệnh chiến đấu của Mỹ ở Iraq sẽ kết thúc vào cuối năm 2021.

Thế nhưng, trên thực tế, quân đội Mỹ không thực sự rời đi. Ông Biden nói rằng người Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq, đồng thời đối phó với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khi chúng xuất hiện. Do đó, gần như toàn bộ 2.500 lính Mỹ đang ở Iraq sẽ ở lại, nhiệm vụ hầu như không thay đổi.

Sự khác biệt giữa tình hình ở Iraq với Afghanistan là rõ ràng. Hồi tháng 4/2021, ông Biden đã tuyên bố rút quân triệt để hơn khỏi Afghanistan, chỉ để lại vài trăm quân bảo vệ đại sứ quán ở Kabul. Quá trình đó đã gần hoàn tất và dẫn đến sự nổi lên đáng kể của lực lượng Taliban.

Thay đổi chiến thuật

Việc Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Iraq và việc rút quân khỏi Afghanistan thể hiện sự khởi đầu của những thay đổi lớn hơn trong quan điểm của Mỹ đối với Trung Đông nói chung.

Mỹ lần đầu tiên thiết lập các căn cứ lớn ở Trung Đông vào những năm 1990, như một phần trong nỗ lực kiềm chế các cuộc cách mạng ở Iran và Iraq. Sự hiện diện đó mở rộng về phạm vi và gia tăng về quy mô sau cuộc tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001, khi chính quyền cựu Tổng thống Bush tìm cách tái cấu trúc Trung Đông.

Theo cách riêng của mình, các đời Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, ông Donald Trump và bây giờ là ông Joe Biden đều tìm cách cắt giảm các cuộc chiến kéo dài của nước Mỹ.

Bà Michèle Flournoy, cựu quan chức Lầu Năm Góc và từng là ứng cử viên hàng đầu cho chức bộ trưởng quốc phòng của chính quyền ông Biden, nhận định: "Sau 20 năm chống khủng bố và chống quân nổi dậy ở Afghanistan và Iraq, có lẽ chúng ta đã đầu tư quá mức vào Trung Đông... Dù thảo luận về việc ưu tiên châu Á-Thái Bình Dương, nhưng chúng ta chưa thực sự chuyển toàn bộ lực lượng của mình sang hướng đó”.

Căn cứ không quân Al-Udeid rộng lớn của Mỹ, được xây dựng ở miền nam Qatar với chi phí hơn 1 tỷ USD vào năm 1996, đã thực sự được mở rộng dưới thời Tổng thống Trump. Căn cứ này vẫn được cho là nơi đồn trú của hơn 10.000 lính Mỹ, một phần của khoảng 60.000 lính đang hiện diện ở Trung Đông.

Giờ đây, Lầu Năm Góc đang xem xét các lực lượng quân sự của mình trên khắp thế giới và có dấu hiệu của việc cắt giảm ở Trung Đông. Tháng 6/2021, chính quyền Tổng thống Biden đã rút 8 khẩu đội tên lửa Patriot khỏi Iraq, Kuwait, Jordan, Saudi Arabia và một lá chắn tên lửa riêng biệt khỏi Saudi Arabia.

Bà Becca Wasser, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, một tổ chức tư vấn ở Washington cho biết: “Có một lực đẩy khiến Mỹ từ bỏ các căn cứ lớn ở Trung Đông, bởi vì không cần thiết phải có các căn cứ lớn hơn nữa”.

Thay vào đó, Lầu Năm Góc muốn chuyển sang hướng "bố trí phân tán", theo đó các căn cứ nhỏ hơn được thiết lập trải rộng trên một khu vực rộng lớn với mục tiêu chống chọi tốt hơn với các cuộc tấn công bằng tên lửa như vụ Iran tấn công quân Mỹ ở Iraq năm ngoái sau vụ Washington ám sát tướng Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).

Ông Joseph Votel, một tướng Mỹ đã nghỉ hưu từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm của Lầu Năm Góc và hiện làm cho tổ chức tư vấn Viện Trung Đông nói: “Trong vài thập kỷ, sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông đã được chỉ đường bởi các lực lượng đặc nhiệm thường trực lớn, trong một số trường hợp có hàng trăm nghìn binh sĩ tham gia một nhiệm vụ”.

Theo ông Votel, tương lai quân đội Mỹ chỉ tăng cường sự hiện diện của mình khi được đối tác yêu cầu. Điều đó không cần đến hàng nghìn quân. Mỹ cương quyết thì chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu này một cách bền vững.

(theo The Economist)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại