Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden - "Điềm lành" mùa Giáng sinh đối với châu Âu?
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã lựa chọn một đội ngũ an ninh quốc gia có quan điểm ủng hộ các liên minh truyền thống của Mỹ, khiến phần lớn châu Âu
Lợi ích sẽ níu kéo "tình thân"
Ông Antony Blinken, người được ông Biden đề cử giữ chức Ngoại trưởng Mỹ từng dành một phần thời thơ ấu của mình ở Paris, nói tiếng Pháp hoàn hảo và là một người nhiệt tình ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trong tháng 11, khi phát biểu trước Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu Mỹ - một tổ chức ủng hộ các hoạt động ngoại giao của Mỹ, ông Blinken nói: "Dưới thời ông Joe Biden, chúng tôi sẽ trở lại vị trí của mình ở NATO, không đe dọa rời khỏi NATO hoặc coi tổ chức này như một 'mạng lưới bảo kê'. Chúng tôi sẽ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) thay vì khuyến khích các nước rời bỏ liên minh hoặc coi liên minh này như một kẻ thù".
Chắc chắn, các mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu sẽ trở nên thân thiết hơn nhiều dưới thời ông Biden.
Tuy nhiên, giữa châu Âu và Mỹ tồn tại những khác biệt căn bản, vốn không chỉ tồn tại dưới thời chính quyền ông Trump. Những khác biệt này bao gồm một loạt vấn đề như tranh chấp thương mại kéo dài về những gì Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) coi là trợ cấp bất hợp pháp của chính phủ dành cho hãng Airbus, và việc một số quốc gia thành viên NATO không đáp ứng được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng.
Ông Biden sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ EU nhằm giải quyết các ưu tiên cấp bách của Mỹ, bao gồm cả việc kiềm chế một Trung Quốc ngày càng hành xử hung hăng.
Ông Anthony Gardner, cố vấn về châu Âu trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden, cho rằng EU và Mỹ cần hợp tác để chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, vốn gây bất lợi cho các doanh nghiệp từ San Francisco tới Sofia.
Ông Gardner, cũng là cựu đại sứ Mỹ tại EU, nói: "Sức mạnh là vấn đề. Trung Quốc có được điều đó. Tôi tin rằng họ sợ Mỹ và EU sẽ thực sự xây dựng lập trường chung về thương mại, bởi vì EU không phải là một 'con cá con' trong lĩnh vực thương mại. EU là một siêu quốc gia". Quả thực như vậy, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội của EU chỉ đứng sau Mỹ.
EU dường như đồng tình với điều này, ít nhất là về mặt nguyên tắc. Theo bản dự thảo các đề xuất chính sách của EU được Financial Times trích dẫn, liên minh này có kế hoạch kêu gọi Mỹ nắm bắt cơ hội "chỉ có một lần" để nhìn lại những căng thẳng đang diễn ra và xây dựng một liên minh toàn cầu để giải quyết "thách thức chiến lược" từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Gardner cũng thừa nhận rằng việc đưa tất cả 27 quốc gia thành viên EU đối đầu với Trung Quốc là điều không dễ dàng. Một số quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc vì đây là một thị trường quan trọng để xuất khẩu hàng hóa của họ.
Ông Biden đã giữ lời hứa
Chuyến công du châu Âu gần đây nhất của ông Biden diễn ra vào tháng 2/2019. Tại Hội nghị An ninh Munich vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục các nước châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như Mỹ đã làm. Sau phát biểu của ông Pence, ông Biden đã tìm cách trấn an giới chức châu Âu khi nhấn mạnh rằng "chúng tôi sẽ trở lại". Thế nhưng, châu Âu khi đó tỏ ra không mấy quan tâm.
Sự hiện diện của ông Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến châu Âu "chìm vào một cơn ác mộng" chiến lược thực sự. Qua nhiều giai đoạn hoài nghi, cuối cùng châu Âu cũng nhận ra thực tế là Mỹ đã rời xa châu Âu.
Tuy nhiên, ông Biden đã giữ lời hứa. Ông đang trở lại châu Âu. Khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021, ông sẽ là Tổng thống Mỹ giàu kinh nghiệm nhất về các mối quan hệ quốc tế kể từ thời cựu Tổng thống George Bush cha. Không chỉ vậy, nhìn từ châu Âu, đội ngũ lãnh đạo đối ngoại mà ông Biden công bố ngày 23/11 là "đội hình trong mơ".
Tuy nhiên, liệu điều đó sẽ là món quà Giáng sinh cho châu Âu hay chỉ là ảo ảnh?
Nhà báo Kauffmann của tờ Le Monde cho rằng cần nhanh chóng giúp những người châu Âu tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ trở lại như ban đầu.
Các cuộc đối thoại trực tuyến mạnh mẽ trong 3 tuần qua giữa các chuyên gia châu Âu và Mỹ về tương lai quan hệ Mỹ-EU đã tiết lộ 2 điều, đó là tương lai sẽ khác và có nhiều điều thú vị hơn.
Khác bởi vì thế giới đã thay đổi, không chỉ từ khi ông Trump lên nắm quyền: xu hướng bài toàn cầu hóa, sự vươn lên khẳng định của Trung Quốc, sức mạnh của công nghệ... Ngoài ra, cũng phải nói đến hậu quả của đại dịch Covid-19.
Một số nhân vật trong chiến dịch tranh cử của phe Dân chủ và chắc chắn nằm trong chính quyền của ông Biden không giấu giếm rằng ưu tiên hàng đầu của họ sẽ là kiểm soát được đại dịch Covid-19 và vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Họ ý thức được việc người dân Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn. Họ cũng ý thức được hình ảnh nền dân chủ Mỹ đã xấu đi. Cố vấn An ninh Quốc gia tương lai Jake Sullivan chủ trương chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
Chính quyền ông Biden sẽ dành 80% sức lực cho chính trị nội bộ và 20% cho quan hệ đối ngoại. Trong số 20% đó, Trung Quốc sẽ chiếm phần chính. Vậy còn lại bao nhiêu cho các đồng minh châu Âu của Mỹ?
Ông Biden sẽ biết cách chữa lành vết thương mà ông Trump để lại. Ông Biden cũng sẽ đưa Washington trở lại "cuộc chơi" đa phương vốn rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đang đối đầu với những thách thức lớn về khí hậu và sức khỏe, y tế.
Ông Biden cũng sẽ tìm cách hồi sinh cuộc đấu tranh cho các giá trị dân chủ chung, vốn đã chịu nhiều tổn hại. Tuy nhiên, phần còn lại là nhiệm vụ của châu Âu. Đó chính là điều thú vị.
Nhà báo Kauffmann kết luận rằng để bảo vệ lợi ích và đảm đương trách nhiệm, châu Âu cần có những đề xuất và đặc biệt là phải vượt qua sự chia rẽ nội bộ.
"Cả Mỹ lẫn châu Âu đều đang có một cơ hội và cơ may độc nhất vô nhị, đó là tạo dựng lại mối quan hệ châu Âu-Mỹ trong một thế giới khác, kể cả bằng cách hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Hiện chưa biết liệu châu Âu-Mỹ có giành được thắng lợi hay không, nhưng đó là điều nên thử", ông này cho hay.
(theo npr.org/Le Monde)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận