menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Anh Thơ

Tổng lực chi viện cho Đà Nẵng dập dịch

Tất cả vì Đà Nẵng thân yêu!

Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã chi viện cho Đà Nẵng một lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu chưa từng có trong lịch sử phòng dịch của Việt Nam.

Chiều 2.8, báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19, GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24.7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng.

Hệ số lây nhiễm ở Đà Nẵng cao gấp 5 lần ổ dịch Bạch Mai

“Đợt dịch lần này tốc độ lây nhiễm rất cao so với tháng 4.2020. Tại Đà Nẵng, dịch đã xuất hiện từ đầu tháng 7 và qua 4 - 5 chu kỳ lây nhiễm... Khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau và nhiều trường hợp mắc bệnh khác nhau đang ở ngoài cộng đồng, vì vậy việc truy vết F0 không khả thi, lây nhiễm trong cộng đồng khá cao", ông Long nêu và cho biết Bộ Y tế đã chi viện cho Đà Nẵng một lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu chưa từng có trong lịch sử phòng dịch của Việt Nam.

Cần tính toán kỹ trước khi quyết định giãn cách xã hội

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và UBND các tỉnh, thành tăng cường quản lý khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở. “Yêu cầu khởi tố tất cả các trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép, đặc biệt với các đường dây tổ chức đưa người nước ngoài vào Việt Nam”, Thủ tướng quán triệt.

Về công tác chống dịch, Thủ tướng giao các cơ quan hoàn thành một chỉ thị mới thay Chỉ thị 16 để phù hợp với diễn biến dịch trong giai đoạn này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được lơ là, chủ quan, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm mọi biện pháp phòng, chống dịch tốt nhất; đặc biệt, bệnh nhân nặng ở các BV cần được cứu chữa tốt nhất.

Nhấn mạnh yêu cầu phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn, ngăn ngừa có hiệu quả làn sóng Covid-19 thứ 2 ở Việt Nam, không để lây lan trên diện rộng, không để có ổ dịch mới mà không được ngăn chặn, phát hiện kịp thời, nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu không làm thái quá, không ngăn sông cấm chợ, tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có ổ dịch, gây cản trở hoạt động kinh tế - xã hội và là mầm mống gây bất ổn. Thủ tướng nhắc nhở “cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội”.

Liên quan đến khó khăn trong việc mua sắm sinh phẩm, thiết bị phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu trước hết tạm ứng tiền mua thiết bị, sau đó Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn các địa phương. “Việc này đã giao Bộ Tài chính từ lâu, nhưng các đồng chí làm rất chậm. Lúc nước sôi lửa bỏng thì tạm ứng lấy thiết bị về rồi tiền bạc tính sau. Tinh thần là không được tham ô, tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, ông Long cho biết: “Có 6 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng chúng tôi chưa tìm hiểu được mối liên quan đến ổ dịch ở các bệnh viện (BV) Đà Nẵng. Dự đoán có một số ổ dịch trong cộng đồng đã tồn tại và có thể tiếp tục lây nhiễm”. Việc dịch xảy ra trong cao điểm mùa du lịch khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Thống kê từ 1 - 29.7, khoảng 1,4 triệu người đã từ Đà Nẵng trở về các địa phương, trong đó có khoảng 800.000 người đến khu vực có dịch, 46.000 người đến khám ở 3 BV được xác định là ổ dịch. Do đó, nguy cơ có thêm trường hợp mắc ở các địa phương như Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội là rất cao.

“Nếu như ổ dịch Bạch Mai có hệ số lây nhiễm khoảng 1,8 - 2,2 thì lần này hệ số lây nhiễm có thể từ 6 - 10”, ông Long cho biết và dự báo dịch sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan. Thêm vào đó, dịch đã tấn công vào 3 khoa yếu nhất của BV, với nhiều bệnh nhân nặng, nên mặc dù đội ngũ chuyên môn với các giáo sư đầu ngành đã tích cực cứu chữa nhưng vẫn không cứu được một số bệnh nhân và có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong.

Từ 23 - 30.8 là thời điểm nguy cơ

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam bắt đầu bước vào làn sóng thứ hai của dịch, sau khi làn sóng thứ nhất đã kết thúc và đạt đỉnh vào 30.3.

“Chúng tôi dự báo từ 23 - 30.8 là nguy cơ, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, cả nước sẽ có 970 người điều trị trong BV (hiện chỉ có 216 người). Nếu không làm quyết liệt, thì sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, ta sẽ vào diện cả quốc gia có dịch, nên cần có chủ trương quyết liệt”, ông Nhân khuyến cáo.

Ông Nhân cho rằng cần có “nhiệm vụ đặc biệt” cho Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh giáp ranh Đà Nẵng là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Đắk Lắk. “Riêng với Đà Nẵng, đến nay có 103 người nhiễm/1 triệu dân, tức là bình quân 1 triệu người Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm, gấp 10 lần chỉ số chúng ta coi là có dịch mà thế giới công bố. Như vậy, Đà Nẵng có mức độ rất cao, cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Dẫn lời quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về tình trạng lây nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm khoảng 2 tháng nay, và cho rằng số bệnh nhân được phát hiện do xét nghiệm, chứ các ca bệnh vẫn nằm sẵn trong cộng đồng, theo ông Nhân: “Nên đề nghị Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất như ở Vũ Hán, Trung Quốc. Lúc đầu họ yêu cầu tất cả gia đình ở nhà, 1 ngày chỉ được 1 người đi chợ 1 lần. Sau thì không cho đi chợ nữa mà giao nhận thực phẩm tại nhà”.

Vấn đề thứ 2 đặt ra với Đà Nẵng và cả nước, theo ông Nhân, là phải tính tới năng lực cách ly. “TP.HCM cứ 1 người nhiễm thì phải cách ly 280 người, áp dụng số này cho Đà Nẵng, đang có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly, như thế là không thể có đủ chỗ, dù Đà Nẵng đang xây dựng BV dã chiến 1.000 chỗ. Phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất. Xin đề nghị Bộ Y tế có nghiên cứu, hướng dẫn về cách ly gia đình”.

Liên quan diễn biến Covid-19 đang rất phức tạp, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Chúng tôi đã tính đến phương án cách ly tại nhà, nhưng quy trình này phải thực hiện một cách chặt chẽ. Bộ Y tế chưa khuyến khích hình thức này, nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị điều kiện cần thiết để kích hoạt phương án cách ly tại nhà”. Ông Thơ cho biết thêm, Đà Nẵng đang duy trì 7 chốt kiểm soát liên tỉnh, người Đà Nẵng muốn ra ngoài sẽ phải qua các chốt này để “không chỉ bảo vệ người dân TP mà còn người dân xung quanh, không có hiện tượng người dân tháo chạy này kia như dư luận”.

Theo ông Thơ, “thành bại” trong giai đoạn này là ở việc xét nghiệm, cách ly, truy vết. “Nếu ta làm chậm, năng lực xét nghiệm không đủ, truy vết chậm, để lây lan trong cộng đồng thì đến lúc chúng ta không thể giải quyết được”.

Nhiều địa phương "vướng" cơ chế đấu thầu vật tư phòng dịch

Tại phiên họp, nhiều địa phương kiến nghị về khó khăn trong đấu thầu vật tư phòng dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết Quảng Ninh “đang lúng túng trong quá trình triển khai mua kit xét nghiệm và hóa chất, vật tư y tế, vì giá của nhà cung cấp thay đổi liên tục và rất khác nhau. Việc áp dụng chỉ định thầu rất khó khăn khi không có giá được công bố bởi các bộ, ngành T.Ư. Đề nghị có chỉ đạo, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai phòng dịch một cách tốt nhất”.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người đang ở “bộ chỉ huy tiền phương” chống dịch tại Đà Nẵng, cũng cho biết hiện nay “anh em rất sợ” trong đấu thầu mua trang thiết bị y tế, đề nghị có hướng dẫn.

Theo ông Sơn, cách ly, truy vết là rất cần thiết, nhưng vẫn chưa bằng xét nghiệm. “Mà xét nghiệm, có 2 cái rất cần thiết là thiết bị và sinh phẩm, thì thời gian qua việc mua sắm ở một số địa phương là rất khó khăn. Không phải do không có, mà do cơ chế. Anh em rất sợ về giá cả, xin Chính phủ có biện pháp chỉ đạo các địa phương, thông qua đấu thầu, đấu giá hoặc thông qua giá trần để các đơn vị tự mua. Với sinh phẩm, có chính sách khuyến khích đơn vị trong nước để tận dụng nguồn lực, để Việt Nam tăng cường hơn nữa việc sản xuất test kit trong nước”.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại