Tổng Giám đốc Mekong Capital: Nhà đầu tư ngoại muốn thấy sự minh bạch trong thị trường vốn
Trong những ngày cuối năm, ông Chad Ovel - Tổng Giám đốc Mekong Capital đã chia sẻ về những gì đã trải qua trong năm 2023 và dự báo tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024 cũng như sức hút của doanh nghiệp Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại.
Nhìn lại diễn biến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, theo ông có những điểm khác biệt nào so với năm trước?
Tổng Giám đốc Chad Ovel: Tôi tin rằng năm 2023 khó khăn hơn đối với Việt Nam so với năm 2022, vì một số lý do quan trọng.
Đầu tiên, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm về xuất khẩu. Đây là điều chưa từng gặp ở Việt Nam trong một thời gian dài, ảnh hưởng xấu đến một số ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép và nội thất. Sự suy giảm nhu cầu từ Bắc Mỹ và châu Âu đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Thêm vào đó, điều đặc biệt của năm 2023 so với năm trước là những thách thức trong các thủ tục pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Tốc độ phê duyệt chậm đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng bất động sản.
Chẳng hạn như IPO, trong năm qua chỉ có 3 thương vụ diễn ra ở Việt Nam, với giá trị rất thấp. Trong khi đó, ở các thị trường khác tại châu Á như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, có nhiều vụ IPO diễn ra. Do đó, tốc độ phê duyệt chậm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Đó là 2 yếu tố quan trọng tôi nhận thấy khá khác biệt giữa năm 2023 và năm 2022.
Vậy ông dự báo các yếu tố vĩ mô sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2024?
Chúng tôi đang thấy những chỉ số rất tích cực cho năm 2024 và có 2 điểm mà tôi đang chú ý.
Đầu tiên, sự phục hồi về xuất khẩu, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như thời trang, giày dép và nội thất - những ngành tạo việc làm cho hàng triệu công nhân. Đây là một dấu hiệu rất tích cực cho nền kinh tế tổng thể tại Việt Nam.
Thứ hai, lãi suất vay vốn cho người tiêu dùng như vay mua nhà hoặc mua ô tô, đang giảm và điều đó sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là trong các mặt hàng bền vững hoặc những mặt hàng đắt đỏ như nhà ở, ô tô, điện gia dụng. Đây cũng là yếu tố quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Lĩnh vực tôi vẫn lo lắng là bất động sản nhà ở. Chúng tôi vẫn chưa thấy được sự gia tăng nào đáng kể trong tốc độ giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến nhiều dự án. Cho đến khi vấn đề này được giải quyết, tôi tin rằng nhiều người tiêu dùng vẫn sẽ rất ngần ngại trong việc quay lại thị trường bất động sản.
Để nền kinh tế Việt Nam phục hồi hoàn toàn, chúng ta cần thị trường bất động sản hoạt động tốt. Thế nhưng, trong năm 2024, còn nhiều vấn đề phải giải quyết để thị trường bất động sản dần hồi phục. Chính phủ chưa cho thấy sự gia tăng trong tốc độ hành động để đạt được kết quả dẫn đến sự phục hồi.
Trở lại với Mekong Capital, chiến lược đầu tư của Quỹ trong năm 2024 ra sao, thưa ông?
Trên góc nhìn từ nhà đầu tư dài hạn, Mekong Capital đầu tư cho sự tăng trưởng giá trị dài hạn; do đó, chúng tôi thích tất cả các ngành hướng đến người tiêu dùng. Mekong Capital không thay đổi chiến lược theo từng năm.
Chiến lược của Mekong Capital cho năm 2024 là sẽ tiếp tục nhất quán với các ngành đã xem xét gần đây. Nhưng điều tôi có thể nói là Mekong Capital đang trở nên nghiêm khắc hơn trong việc đầu tư vào các công ty có dòng tiền bền vững, có lợi nhuận và có đơn vị kinh tế mạnh. Lý do hiện nay chúng tôi cho rằng điều này quan trọng bởi vì chi phí vốn đã tăng cao hơn so với quá khứ.
Vì vậy, Mekong Capital sẽ do dự khi đầu tư vào bất kỳ ngành hoặc công ty nào yêu cầu hoặc cần một lượng gây quỹ đáng kể trong tương lai, vay nợ hoặc tăng vốn để phát triển. Mekong Capital quan tâm hơn đến việc đầu tư vào các ngành và doanh nghiệp có luồng tiền nội bộ đủ mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí vốn tăng cao như thị trường hiện nay.
Còn các nhà đầu tư ngoại nói chung, họ mong muốn gì ở thị trường chứng khoán Việt Nam?
Mekong Capital là quỹ đầu tư tư nhân, không phải là nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, thông qua các cuộc trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi có thể thấy họ vẫn do dự để đầu tư thêm vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguyên nhân là vì họ thấy rất mơ hồ và thiếu sự rõ ràng về cách Việt Nam đang giải quyết một số vụ khủng hoảng tiêu cực gần đây, đặc biệt là vụ khủng hoảng trái phiếu bắt đầu từ tháng 11/2022.
Thêm nữa, các cuộc điều tra gần đây về các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác nhau đã thực hiện hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán. Điều quan trọng là Việt Nam cần hoàn thành các cuộc điều tra này, công bố kết quả của các cuộc điều tra như vừa làm với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tôi tin rằng, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thấy thêm sự minh bạch, các bước tiến triển và mức độ chắc chắn hơn liên quan đến thị trường vốn ở đây, trước khi chúng ta thực sự có thể thấy được sự tăng trưởng lớn trong việc trở lại của vốn ngoại.
Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư ngoại trong năm 2024?
Tôi muốn khuyến khích các nhà đầu tư ngoại áp dụng cùng phương pháp mà Mekong Capital đang thực hiện, đó là tập trung nhiều vào chất lượng quản lý và chất lượng quản trị công ty. Khả năng tăng trưởng dài hạn cụ thể của các công ty và một số yếu tố định tính liên quan đến chất lượng lãnh đạo và chất lượng quản lý là những yếu tố quan trọng nhất cho sự tăng trưởng giá trị dài hạn tại Việt Nam.
Rõ ràng, nhiều nhà đầu tư chứng khoán quan tâm đến hiệu suất tài chính, nhưng tôi muốn khuyến nghị họ xem xét các khía cạnh định tính về lãnh đạo và chất lượng quản lý. Chúng tôi đã thấy, trong hơn 20 năm qua, các công ty có dàn lãnh đạo mạnh mẽ và chất lượng quản lý đều là những công ty cuối cùng sẽ chiếm thị phần và tiếp tục tăng trưởng từng năm.
Ông có thể nói cụ thể hơn về những ngành sẽ thu hút được dòng tiền từ khối ngoại trên thị trường chứng khoán năm 2024?
Tôi cho rằng khối ngoại sẽ có rất hào hứng đối với nhà phát triển khu công nghiệp. Việt Nam nằm ở vị trí rất thuận lợi để tiếp nhận sự chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia khác và sự chuyển đổi đó đòi hỏi đất khu công nghiệp và dịch vụ cho khu công nghiệp. Vì vậy, khu công nghiệp là ngành sẽ tiếp tục nhận được chú ý và sẽ hưởng lợi từ sự chuyển dịch địa - chính trị của các công ty Bắc Mỹ và châu Âu, giảm nguồn cung từ Trung Quốc.
Trên quan điểm cá nhân, tôi nghĩ còn có cổ phiếu của các ngành như tiêu dùng, công ty bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng. Khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, tất cả những công ty thuộc ngành nghề này sẽ hoạt động tốt hơn rất nhiều so với 12-18 tháng qua.
Cuối cùng là ngành ngân hàng. Các ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trong nửa đầu năm 2023 và có rất nhiều lo ngại rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với thách thức, đặc biệt khi nắm giữ nhiều trái phiếu từ các nhà phát triển bất động sản. Nhưng phần lớn, có thể thấy các ngân hàng đã làm rất tốt và thậm chí tăng trưởng tín dụng cũng rất thấp trong năm nay, dưới 10%. Nhưng nếu sự lạc quan của người tiêu dùng trở lại vào năm sau và sự lạc quan của doanh nghiệp trở lại, các ngân hàng sẽ hưởng lợi từ việc tăng trưởng tín dụng.
Khả năng hút dòng tiền trong năm 2024 của các kênh đầu tư khác thì sao, thưa ông?
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng vàng là một khoản đảm bảo an toàn lâu dài trong trường hợp khủng hoảng xảy ra.
Thế nhưng, trên thị trường chứng khoán, có thể đầu tư vào các công ty khỏe mạnh trên thị trường chứng khoán với dàn quản lý mạnh, nền tảng vững chắc là một điểm tuyệt vời để triển khai vốn tại Việt Nam trong năm 2024. Kênh chứng khoán không phải là không có
Xin cảm ơn ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận