24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Giáng Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Tăng chế tài xử phạt, kỷ luật công chức khi doanh nghiệp 'xù' thầu gạo

Ông Đỗ Việt Đức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước cho rằng cần phải hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong đấu thầu, kỷ luật công chức, tăng thêm chế tài để đảm bảo hạn chế tiêu cực trong đấu thầu dự trữ quốc gia.

Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện hơn 10.000 tấn gạo của các đơn vị đã trúng thầu bán gạo cho dự trữ đợt thầu 12/3, nhưng sau đó lại từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo cho Nhà nước. Sau đó, Tổng cục DTNN phải đấu thầu lại nhưng khi đó giá thị trường đã bị cao lên, khiến ngân sách nhà nước dự kiến tốn kém thêm hàng trăm tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu có chuyện các Cục DTNN khu vực sai phạm thông đồng với doanh nghiệp hủy hợp đồng rồi chờ để bán gạo giá cao hơn?

Ngày 7/5, Thanh tra Bộ Tài chính đã phải gửi Công văn số 432/CV-TTr gửi Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an để phối hợp, điều tra, xác minh làm rõ việc có hay không sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trả lời báo chí về các giải pháp để giảm chi phí tối đa cho nhà nước khi mua gạo dự trữ, ông Đỗ Việt Đức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước cho biết: Có 6 giải pháp để triển khai ngay để siết chặt việc quản lý mua gạo dự trữ.

Thứ nhất, cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường hoạt động của đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh về các sai phạm trong đấu thầu mua gạo dự trữ.
Thứ hai, thường xuyên có các ban hành văn bản chỉ đạo các Cục DTNN khu vực cần chấn chỉnh công tác đấu thầu mua gạo từ khâu xây dựng, trình lập kế hoạch đấu thầu, đến việc lập HSMT, thẩm định và trình phê duyệt kết quả lựa chọn đến ký kết hợp đồng và thanh lý hợp đồng. Quá trình tổ chức đấu thầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật về đấu thầu.
Thứ ba, để hạn chế tiêu cực, tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp cận HSMT nhanh chóng, giảm chi phí cho nhà thầu từ đó tiết kiệm được chi phí cho gói thầu, Tổng cục DTNN sẽ yêu cầu 100% các Cục DTNN khu vực tổ chức đấu thầu cung cấp gạo qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác đấu thầu gạo, kịp thời giải quyết các vướng mắc của các Cục DTNN khu vực trong quá trình tổ chức đấu thầu gạo theo thẩm quyền. Khi phát hiện sai phạm kịp thời xử lý nghiêm, đăng tải công khai để làm gương cho các cá nhân, tổ chức tham gia đấu thầu như cấm tham dự thầu, trường hợp sai phạm nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan để điều tra, xác minh làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định.
Thứ năm, cần tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về đấu thầu và các quy định về xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự đối với các hành vi liên quan đến vi phạm pháp luật về đấu thầu.
Thứ sáu, ngành dự trữ cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát qua hệ thống camera an ninh tại các kho DTQG có kết nối với hệ thống giám sát trung tâm tại trụ sở Tổng cục, để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm, cũng như đôn đốc thực hiện kế hoạch nhập gạo DTQG.

Sửa Luật Đấu thầu với gói thầu cung cấp mặt hàng dự trữ quốc gia

Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN cũng đề xuất một số giải pháp căn cơ để giải bài toán đấu thầu gạo DTQG, trong đó trọng tâm là phải sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng tăng bảo đảm dự thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng đối với các gói thầu cung cấp mặt hàng DTQG.

Thực tế, hành vi không cung cấp hàng DTQG không đơn thuần là vấn đề dân sự giữa các nhà thầu và chủ đầu tư, bên mời thầu mà còn là hành vi cản trở hoạt động DTQG theo Khoản 5 Điều 22 Luật DTQG, không có hàng dự trữ để đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách có thể gây mất ổn định tình hình kinh tế, xã hội.

Vì vậy, nhà thầu đã được phê duyệt trúng thầu mà không cung cấp hàng DTQG thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này. Để có cơ sở, Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung nội dung này vào văn bản quy phạm luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực DTQG.

Tổng Cục trưởng Tổng cục DTNN cho rằng cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo DTQG, mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất để cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định nâng cao mức độ tự động hóa trong hoạt động đánh giá e-HSMT, nộp e-HSDT.

Ông Đỗ Việt Đức nhấn mạnh: “Cần phải hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong đấu thầu, kỷ luật công chức, tăng thêm chế tài để đảm bảo hạn chế tiêu cực và có tính phòng ngừa, răn đe chung đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả