Tổng Bí thư: 'Công tác nhân sự kiên quyết chống mọi biểu hiện bè phái, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền'
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết; kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền...
Sáng 11/5, hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã khai mạc trọng thể dưới sự chủ trị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; số lượng, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Công tác nhân sự đặt sự nghiệp của Đảng, dân tốc lên trên hết
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu bật một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương quan tâm nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định.
Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng.
"Đây là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước, đòi hỏi phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, hội nghị này, Trung ương thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được bàn tại các hội nghị tiếp theo.
"Yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh; phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc", ông Nguyễn Phú Trọng nói.
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị mỗi Ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII.
Các Ủy viên Trung ương thảo luận tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị, triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; làm rõ những vấn đề, những khâu cần lưu ý, nhấn mạnh thêm.
Gợi mở để các Ủy viên Trung ương thảo luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay, phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia-dân tộc;
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm," chạy chức, chạy quyền...
Bầu người xứng đáng
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn chỉnh đề án trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 12.
Đề án đã tổng kết, đánh giá khá toàn diện, khách quan tình hình bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp một số nhiệm kỳ gần đây, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khiếm khuyết còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Từ đó, đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.
Về nội dung này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong đề án và tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử.
Trong đó lưu ý, cần phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử, như mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng;
Số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu HĐND ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức HĐND phường; ngày bầu cử dự kiến... và các công việc tổ chức triển khai thực hiện đề án.
Bộ Chính trị quyết số đại biểu dự Đại hội Đảng XIII
Về số lượng và phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm việc phân bổ đại biểu ở một số Đại hội Đảng toàn quốc gần đây (các Đại hội X, XI, XII), Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối Đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng đảng viên của từng đảng bộ, vị trí quan trọng của một số đảng bộ.
Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản đều được các cấp ủy, tổ chức đảng đồng tình, điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được các đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho Đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các Ủy viên Trung ương tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận